Bộ Y tế lên án nạn bạo hành đang gia tăng đối với nhân viên y tế

Thời gian gần đây, ngành y tế liên tiếp xảy ra những vụ việc tấn công vào các y bác sĩ một cách bạo lực khiến họ bị thương nặng, kể cả khi đang tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân.

Vào ngày 20.10, chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đang trong ca trực thì bị Hoàng Xuân Hải (SN 1991) dùng dao chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê.

Mới đây nhất là ngày 23.10, bác sĩ Trần Thanh Sơn đang làm nhiệm vụ trực cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh, khiến bác sĩ Sơn bất tỉnh, chảy máu vùng mặt, bị nôn ói, phải cấp cứu.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề bạo hành ngành y tế đang gia tăng trong trong thời gian này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Tôi nghiêm khắc lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ đã tấn công bạo lực đối với hai thầy thuốc Trần Thị Thanh Hải và Trần Thanh Sơn.

Bộ Y tế kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Hà Tĩnh và Quảng Bình xem xét và có hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho hai thầy thuốc trên. Tình trạng thầy thuốc bị hành hung diễn ra ngày một nhiều và đây là thực trạng đau lòng, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế. Bộ Y tế kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế.

Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan báo chí và cộng đồng lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế. Không được phép hành hung nhân viên y tế với bất cứ lý do nào. Các cơ quan y tế phối hợp với công an sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân viên y tế.

Tôi chia sẻ nỗi đau về thể xác và tinh thần mà hai thầy thuốc Trần Thị Thanh Hải và Trần Thanh Sơn phải chịu đựng và cầu chúc hai thầy thuốc sớm bình phục để trở lại với công việc. Đề nghị các cơ sở y tế đang điều trị cho hai thầy thuốc này dành những điều kiện chăm sóc và chữa trị tốt nhất để họ sớm bình phục", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Lê Tư Hoàng - Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu (bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cho rằng khi sự việc bạo hành các bác sĩ diễn ra, rất nhiều người coi đó là lỗi của chính các y bác sĩ hay nhân viên y tế.

Một bác sĩ bị người nhà của nạn nhân tấn công đến mức phải cấp cứu

"Hàng ngày, bệnh viện Việt Đức tiếp đón hàng trăm ca cấp cứu có độ phức tạp khác nhau. Chỉ cần một chút không hài lòng thì hành động bức xúc từ người nhà được nhân lên theo sự lo lắng, thậm chí là không tin tưởng bác sĩ, cho rằng bác sĩ vòi tiền. Nhiều lúc các đối tượng khi vào bệnh viện vẫn tiếp tục truy sát nhau; trong khi đó, việc lăng mạ, chửi bới xúc phạm nhân viên y tế xảy ra 'như cơm bữa'. Tôi xin khẳng định bạo hành nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh. Ở xã hội văn minh này, quan hệ giữa con người với con người chúng ta không có quyền sử dụng bạo lực để giải quyết. Khi đánh nhân viên y tế còn là hành vi vô văn hóa, trái với đạo lý con người.

Nhân viên y tế hoàn toàn không được trang bị quyền kháng cự trong trường hợp bị lăng mạ, hành hung. Bác sĩ không thể đang mặc áo blouse mà quay sang đối đáp ngang bằng với những lời tục tĩu đó, điều đó xã hội không chấp nhận. Hiện nay dưới cái nhìn của xã hội người ta cứ nghĩ là lỗi nhiều thuộc về các nhân viên y tế để cho bệnh nhân bức xúc. Và khi có sự việc xảy ra thì người ta thường đánh dấu hỏi về nhân viên y tế, sao lại như vậy, sao lại như thế, không có lửa thì làm sao có khói? Chính vì những áp lực như vậy nên người bị hành hung ít khi lên tiếng", TS. Hoàng cho hay.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), có hơn 60% các vụ mất an ninh bệnh viện xảy ra tại tuyến tỉnh. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, chiếm đến 70%. Nghiêm trọng hơn, các vụ tấn công thường xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. Điển hình, tháng 7.2014, tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, đã xảy ra vụ hành hung nhân viên y tế, vì người nhà cho rằng bệnh nhân cần cấp cứu nhưng bác sĩ không xử trí gì.

Hay hồi tháng 4.2017, một bác sĩ là Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất - Hà Nội, trong lúc đang xem hồ sơ bệnh án cho một bệnh nhi, vị bác sĩ này đã bị bố cháu bé dùng cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu khiến bất tỉnh và phải theo dõi chấn thương sọ não.

Tình trạng bạo hành nhân viên y tế không chỉ xảy ra ở Việt nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng tình trạng này ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, nguyên nhân của vấn đề này không chỉ nằm ở một phía là thái độ, hành vi của nhân viên y tế mà còn nằm ở tâm lý, nhận thức cũng như tình trạng bệnh tật của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. "Việc thay đổi luật pháp, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao trình độ người dân cũng như đào tạo nhân viên y tế các phương thức ngăn ngừa, phòng tránh bạo hành hoặc thậm chí thoát hiểm cho nhân viên y tế khi có bạo hành là những biện pháp cần thiết để giảm thiểu vấn nạn bạo hành", bác sĩ Hoàng đưa ra đề xuất để giảm bớt đi tình trạng bạo hành y tế đang diễn ra hiện nay.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/bo-y-te-len-an-nan-bao-hanh-dang-gia-tang-doi-voi-nhan-vien-y-te-74500.html