Bộ tứ vũ khí ngoại hạng phục vụ chiến tranh không- biển của Trung Quốc

Trung Quốc tự sản xuất hàng chục loại vũ khí được ca ngợi là ưu việt.

Trong những loại ấy, có những loại tầm cỡ. Tờ Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng gần đây giới thiệu các vũ khí được Trung Quốc sáng chế hoặc cải tạo nâng cấp. Hiện có 2 hàng không mẫu hạm tự đóng sắp xuất xưởng, nhưng cũng chưa biết nếp tẻ ra sao, nên chưa được kể đến. Nhưng có bộ tứ được xếp là ngoại hạng phục vụ cho cuộc chiến tranh không- biển của Trung Quốc.

DF21-D - niềm tự hào của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc - "sát thủ tàu sân bay"

Hùng Phong DF-21D

Đây là loại tên lửa được đề cao nhất trong những loại vũ khí sáng tạo và nâng cấp của Trung Quốc, được xem là “sát thủ” tàu sân bay.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1500-2000 km, không thể vươn tới Guam với khoảng cách khoảng trên 3000km, nhưng nó cũng sẽ là sự đe dọa không nhỏ tới các chiến hạm Mỹ hoạt động ở tây Thái Bình Dương và các khu vực biển lân cận Trung Quốc như Biển Đông và biển Hoa Đông. Tên lửa này phục vụ cho chiến lược chống xâm nhập, chống tiếp cận (A2AD) để đối phó với các lực lượng quân sự của Mỹ. DF-21 cũng được phát triển để tấn công các mục tiêu ngoài vũ trụ và có khả năng phá hủy vệ tinh.

Hiện nay, Binh chủng tên lửa chiến lược của Trung Quốc được biên chế 10 lữ tên lửa DF-21, trong đó có 2 lữ được trang bị Đông Phong-21D, 8 lữ còn lại trang bị các loại tên lửa DF-21 kiểu cũ. Các đầu đạn có thể bao gồm đầu đạn hạt nhân khoảng 300kt.

Tiêm kích Uy Long J-20

Máy bay tiêm kích J-20 của Trung Quốc gần đây đã trải qua vòng lên nguyên mẫu thứ 4. Phiên bản mới nhất của nó đã bay trong vòng 2 giờ trước khi hạ cánh thành công.

Thông tin về J-20 rất ít, nhưng mạng tình báo quân sự của Anh IHS Jane's cho biết việc nâng cấp 20 chiếc J-20 có thể đã được Trung Quốc thực hiện trong thập kỷ qua.

Nó có nhiều điểm tương đồng với F-35, F-22 của Mỹ. Trung Quốc bắt chước các mô hình cơ bản và thiết kế khung của máy bay hiện có để tăng tốc độ phát triển đồng thời giảm thiểu nguy cơ thất bại về mặt kỹ thuật đầy tốn kém.

Chi tiết chính xác về nhiên liệu và tầm bay của J-20 vẫn chưa được tiết lộ, nhưng ước tính nó có thể bay trong phạm vi khoảng 1.800 km, đặt các sân bay của Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines trong tầm hoạt động của Trung Quốc. Ngoài ra, J-20 cũng có thể giúp Trung Quốc giành được lợi thế trong các hoạt động giám sát.

Với thiết kế còn nhiều bất hợp lý, công nghệ động cơ chưa tương xứng, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc bị đánh giá chỉ ngang F-15C của không quân Mỹ.

Tàu hộ vệ tên lửa 054A do Trung Quốc sản xuất theo kiểu tự "cắt may"

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A do công nghệ đóng tàu của Trung Quốc “cắt may”, được trang bị tên lửa chống hạm YJ-83 tầm bắn 250 km và phòng không tầm trung HQ-16 với phạm vi tác chiến 40 km.

Tàu có lượng giãn nước toàn tải là 4.053 tấn, chiều dài 134,1 m và rộng 16 m. Tốc độ di chuyển tối đa của tàu trên 50 km/h.

Hệ thống vũ khí trên tàu gồm 8 tên lửa đối hạm C-803, 32 tên lửa phòng không HHQ-16, 1 hải pháo H/PJ26 cỡ 76,2 mm, 2 pháo bắn nhanh 7 nòng Type 730 30 mm, 2 cụm ống phóng ngư lôi săn ngầm 3 nòng YU-7 ASW 324 mm, 2 giàn phóng bom chìm 6 nòng Type 87 240 mm. Trên tàu có thể chứa máy bay trực thăng Kamov Ka-28 Helix hoặc Harbin Z-9C.

Tàu ngầm hạt nhân 093G nâng cấp thành 095 tăng cường năng lực tấn công của hải quân Trung Quốc

Tàu ngầm hạt nhân Type-094 và 095

Theo IHS Jane’s, các quan chức quân sự của Mỹ đã xác nhận rằng Hải quân Trung Quốc đã triển khai một tàu ngầm năng lượng hạt nhân đạn đạo lớp Type-094 nhằm mục đích răn đe hạt nhân. Theo đó, đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một tàu ngầm hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Do quân đội Trung Quốc luôn giữ bí mật các thông tin nên vẫn chưa thể xác nhận liệu chiếc tàu ngầm này có thực sự trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không. Đô đốc Mỹ Haney nhận định: “Trung Quốc có thể cài đặt tên lửa trong các cuộc tuần tra chiến lược của họ. Nếu có, đây sẽ là một bước tiến mới trong chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh”.

Mới đây, những hình ảnh chụp buồng mô phỏng tàu ngầm Type-095 được tung lên mạng, phần nào hé lộ về con tàu có tính năng tàng hình cao nhất và nguy hiểm nhất sắp được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc. Nó cũng được xem là “sát thủ tàu sân bay” mới của Trung Quốc.

Cơ quan tình báo hải quân Mỹ (ONI) cho biết tàu ngầm Type 095 “cải tiến nhiều phương diện như chống ồn và khả năng về vũ khí”.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ tàu ngầm Type 095 nào được hạ thủy, thông tin về tính năng của nó rất ít. Chỉ biết con tàu sẽ trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có thể phóng tên lửa chống hạm siêu âm.

Ngoài ra, so với tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ 2 Type 093 trước đó, tàu ngầm Type 095 sẽ được nâng cao tốc độ hành trình, giảm thiểu độ ồn và mở rộng bán kính tác chiến.

Theo tạp chí The Diplomat, nếu tất cả các báo cáo công khai liên quan đến tàu ngầm Type 095 đều chuẩn xác thì có thể định danh lại tàu ngầm Type 093G nâng cấp thành Type 095.

Điều này chỉ ra rằng, tàu ngầm Type 095 sẽ ngang bằng với tàu ngầm tấn công nhanh động cơ hạt nhân của NATO những năm 1980. Có nghĩa nó lạc hậu hơn so với công nghệ tàu ngầm hiện nay của phương Tây khoảng 30 năm, chứ không thể vượt trội tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ như quan điểm của báo chí Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tàu ngầm Type 093G nâng cấp và tàu ngầm Type 095 mới tại khu vực biển châu Á vẫn khá nguy hiểm, vì chúng sẽ mang tên lửa chống hạm siêu âm hiện đại nhất YJ-18 của Trung Quốc.

Nếu Type 095 đáp ứng được kỳ vọng là sánh ngang với các tàu ngầm của nước ngoài như Los Angeles của Mỹ, hay Akula II của Nga, nó sẽ mang lại cho Trung Quốc một bước nhảy vọt trong phương diện tác chiến dưới nước.

Trung Quốc đang đầu tư lớn cho công nghiệp quốc phòng trong nước và nhập vũ khí nước ngoài. Quá trình sản xuất và nâng cấp vũ khí sẽ cho phép nước này dần dần rút ngắn khoảng cách với vũ khí của Nga và phương Tây./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bo-tu-vu-khi-sat-thu-cua-trung-quoc-214513.html