Bộ trưởng Y tế Đức nhận định tình hình dịch bệnh đang rất nghiêm trọng

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn. Ảnh: DPA

Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang hoành hành tại Đức, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 26/11 cho rằng tình hình dịch bệnh tại nước này "đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết”.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Spahn nêu rõ "tình hình hết sức nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát", đồng thời nhấn mạnh rằng những cảnh báo về dịch bệnh vẫn chưa được tất cả người dân tại Đức lưu tâm.

Bộ trưởng Y tế Đức khẳng định "chỉ có một điều có thể tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định trong ngắn hạn, đó là giảm đáng kể tiếp xúc, gặp gỡ nhau”. Do vậy, ông cho rằng ngay cả những người đã tiêm vắc xin, đã khỏi COVID-19 hoặc đã được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng nên hạn chế tham gia một số hoạt động xã hội.

Viện Robert Koch (RKI) ngày 26/11 thông báo, trong 24 giờ qua, toàn nước Đức ghi nhận hơn 76.414 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, với 357 ca không qua khỏi, số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Chỉ số lây nhiễm trung bình trên 100.000 dân trong 7 ngày qua ở Đức là 438,2 và cũng là mức cao kỷ lục cho tới nay. Số ca nhiễm mới tại 8/16 bang của Đức ở các mức cao chưa từng thấy, trong đó bang Baden-Württemberg ghi nhận hơn 11.400 ca mắc mới, bang Nordrhein-Westfalen gần 9.800 ca và Niedersachsen gần 3.700 ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng Không quân Đức cùng ngày đã bắt đầu giúp chuyển các bệnh nhân COVID-19 tại các khu điều trị tích cực ở những bệnh viện quá tải tới các vùng chịu ảnh hưởng ít hơn.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn làn sóng dịch lần thứ 4 này, Chính phủ Đức gần đây đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời ban hành quy định 3G - viết tắt của 3 từ tiếng Đức gồm Geimpft (Đã tiêm phòng), Genesen (Đã khỏi bệnh) và Getestet (Đã xét nghiệm)-áp dụng tại nơi làm việc cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, những người thuộc diện 3G có thể dễ dàng hòa nhập cuộc sống bình thường.

Cùng ngày tại Mỹ, Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul, đã ra tuyên bố "tình trạng khẩn cấp do thảm họa", trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và nhập viện do COVID-19 tại bang này gia tăng. Trong sắc lệnh công bố ngày 26/11, Thống đốc Hochul nhấn mạnh bang New York đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy từ tháng 4/2020, số ca nhập viện vì COVID-19 cũng tăng cao trong tháng qua với hơn 300 trường hợp mỗi ngày, vì vậy, cần tiến hành các biện pháp đồng bộ để bệnh viện không bị quá tải. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 26/11 đến ngày 15/1/2022.

Với quyết định trên, người đứng đầu bang New York sẽ có thẩm quyền tạm thời đình chỉ hoặc sửa đổi bất kỳ quy chế, pháp lệnh hoặc quy định nào có thể cản trở hoặc trì hoãn các hành động cần thiết để ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, trong phạm vi cần thiết, chính quyền bang được phép mua hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và trang thiết bị thiết yếu mà không cần tuân thủ các quy trình thông báo và mua sắm tiêu chuẩn. Ngoài ra, cơ quan y tế bang New York được phép tạm dừng triển khai các thủ tục không cấp bách.

Thống đốc Hochul cũng yêu cầu chính quyền bang hỗ trợ các địa phương triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19, xét nghiệm sàng lọc và giảm đà lây lan dịch bệnh.

Cũng trong ngày 26/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ban bố lệnh phong tỏa ban đêm, theo đó các quán bar, nhà hàng và phần lớn cửa hàng tại nước này sẽ phải đóng cửa từ 17 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau.

Đây là một phần các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng số ca mắc mới COVID-19 gia tăng khiến các bệnh viện quá tải. Ngoài ra, Hà Lan cũng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các trường trung học cơ sở từ ngày 28/11.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) ngày 27/11 cho biết số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở nước này đã vượt 4.000 ca/ngày trong khi số ca tử vong và phải điều trị tích cực cũng đều tăng lên các mức cao chưa từng thấy.

Cụ thể, theo các số liệu của KDCA, Hàn Quốc ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 436.968 ca. Đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca đầu tiên vào tháng 1/2020.

Trong khi đó, số ca phải điều trị tích cực là 634 ca, tăng 17 ca so với ngày trước đó, cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 52 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 3.492 ca. Tỉ lệ tử vong là 0,8%.

Số ca nhiễm và phải điều trị tích cực gia tăng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu giường bệnh, đặc biệt tại vùng thủ đô Seoul, nơi khoảng một nửa dân số Hàn Quốc sinh sống. Hiện 82,7% dân số Hàn Quốc (tức 42,47 triệu người) đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên, trong đó 40,85 triệu người (tức 79,6%) đã tiêm đầy đủ.

Lo ngại về tình hình dịch bệnh tăng mạnh kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào đầu tháng 11 này theo cơ chế 3 bước "sống chung với COVID-19””. Nước này dự định bước sang giai đoạn 2 từ giữa tháng 12 tới, tuy nhiên các quan chức y tế cảnh báo bước đi này có thể phải hoãn lại nếu xu hướng lây lan dịch hiện nay tiếp diễn. Chính phủ cho biết sẽ thông báo siết chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 29/11 nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, để sớm mở cửa lại trường học hướng tới mở cửa trở lại đất nước, Lào tiếp tục triển khai chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi tại thủ đô Vientiane.

Dự kiến, mũi vắc xin thứ nhất sẽ hoàn thành vào ngày 5/12 và đạt mục tiêu tiêm đủ hai mũi trước ngày 26/12 để đảm bảo điều kiện mở lại trường học trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết trẻ trong độ tuổi từ 12-17 chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số; riêng ở thủ đô Vientiane đã có hơn 83.000 người trong nhóm đối tượng này. Vì vậy, lãnh đạo thành phố kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đến các điểm y tế để tiêm vắc xin kịp thời nhằm tạo đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng nguy hiểm cũng như tử vong.

Bộ Y tế Lào ngày 27/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.491 ca mắc mới COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố. Ngoài ra có thêm 7 ca tử vong. Theo Bộ trên, tỉnh Vientiane ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt với 219 trường hợp trong một ngày. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn đáng lo ngại. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 70.323 ca, trong đó có 154 người tử vong.

Iran ngày 26/11 thông báo cấm nhập cảnh đối với các du khách từ Nam Phi và 5 quốc gia láng giềng sau khi phát hiện biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là Omicron, tại khu vực này.

Đài phát thanh và truyền hình nhà nước IRIB của Iran dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Iran Mohammad Mehdi Gouya cho biết công dân Iran trở về miền nam châu Phi được nhập cảnh sau khi xét nghiệm 2 lần có kết quả âm tính.

Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước của Ai Cập (MENA) đưa tin nước này cũng tạm ngừng các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Nam Phi do lo ngại biến thể Omicron.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt ngày 27/11 thông báo sẽ bắt đầu áp dụng cách ly 14 ngày khi nhập cảnh đối với công dân nước này cũng như người phụ thuộc họ trở về từ một trong 9 quốc gia miền Nam châu Phi. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cũng nêu rõ: "Bất cứ ai không phải là công dân Úc hoặc người phụ thuộc họ nếu đã từng đến các nước châu Phi phát hiện biến thể Omicron trong 14 ngày qua sẽ không được nhập cảnh Úc".

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267936/bo-truong-y-te-duc-nhan-dinh-tinh-hinh-dich-benh-dang-rat-nghiem-trong.html