Bộ trưởng trao Quyết định cho tân Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 cho PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn.

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn đã từng giữ các chức vụ: Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Theo Quyết định số 1166/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2024 của Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn được công nhận là Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn được cán bộ, tập thể lãnh đạo nhà trường tín nhiệm bầu giữ chức vụ Hiệu trưởng và được lãnh đạo Bộ GD&ĐT tín nhiệm, tin tưởng giao phó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây không chỉ là niềm vui của cá nhân, gia đình tân Hiệu trưởng, của cơ sở giáo dục, còn là niềm vui của ngành bởi vị trí đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đối với ngành Giáo dục.

Bộ trưởng đồng thời gửi lời cảm ơn tới PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn vì đã nhận sự ủy thác, đứng ra gánh vác công việc của người đứng đầu nhà trường; và trong thời gian tới cần làm nhiều việc giúp Bộ, giúp Bộ trưởng trong công tác hoạch định, phản biện chính sách, công tác tư vấn, triển khai, cả thí điểm và chính thức…

Bộ trưởng tặng hoa chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn.

Bộ trưởng tặng hoa chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn.

“Ngành Giáo dục được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, cũng vì thế mà áp lực rất lớn. Làm hiệu trưởng một trường đại học nói chung ở thời kỳ này là khó. Làm hiệu trường thời kỳ tự chủ, thời kỳ đổi mới, thời kỳ toàn xã hội kỳ vọng rất nhiều, đó là áp lực. Làm hiệu trưởng một trường mà bề dày thành tích nhiều lại càng khó. Làm hiệu trưởng của một trường là mẫu mực cho các trường khác và mô phạm trong sự mô phạm là việc khó, nên càng cần chia sẻ. Trong thời kỳ tự chủ cần sự sáng tạo, cần phá cách, sự sáng tạo và phá cách trong phạm vi trường mô phạm là khó”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn và mong tân Hiệu trưởng cố gắng hết sức để không phụ sự tin tưởng, ủy thác của tập thể nhà trường, của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, của ngành và xã hội.

Cụ thể, Bộ trưởng bày tỏ mong mỏi PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn vượt qua được khó khăn thử thách, tận dụng được nhiều điều kiện thuận lợi từ công cuộc đổi mới giáo dục và nhu cầu học tập rất lớn của người Việt Nam hiện nay, từ nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đưa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

“Mong Thầy tiếp tục đổi mới và hoàn thiện bản thân để đảm nhiệm thật tốt vai trò người lãnh đạo cao nhất của trường đại học sư phạm. Đứng đầu một trường đào tạo các nhà giáo, Hiệu trưởng phải thực sự trở thành một bậc đại sư. Mong thầy tập hợp, dẫn dắt được tập thể của nhà trường để cùng phấn đấu vì mục tiêu chung; làm được thật tốt những gì đã ấp ủ, đã hứa và đã tuyên bố. Lấy xuất phát cho mọi thứ từ sự công tâm của chính mình, thầy sẽ gặp sự tận tâm của tất cả đồng nghiệp”, Bộ trưởng gửi gắm.

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các sở GD&ĐT, các trường THPT; lãnh đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo Đại sứ quán các nước tại Việt Nam…

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các sở GD&ĐT, các trường THPT; lãnh đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo Đại sứ quán các nước tại Việt Nam…

Trong phát biểu, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ tin tưởng tân Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ làm tốt việc rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu và tình hình, nhiệm vụ mới của trường để phù hợp với ngành và nhu cầu xã hội.

Đồng thời, đề ra được chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường, đảm bảo chất lượng đội ngũ có trình độ cao, xứng tầm với vị thế và yêu cầu đối với sự phát triển của nhà trường.

Nghiên cứu đổi mới mô hình, chương trình đào tạo của Nhà trường; đảm bảo tính chất “mẫu mực” trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo để từ đó có thể chuyển giao cho các trường sư phạm khác trên cả nước.

Cùng với đó, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, quản lý giáo dục, cung cấp các dịch vụ giáo dục… để giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành, của đất nước và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Phát triển cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin theo định hướng đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề để phát triển mô hình đại học thông minh, xanh và bền vững, làm mẫu cho các trường đại học khác.

Đóng góp tích cực và thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

“Hôm nay trao Thầy quyết định công nhận Hiệu trưởng và trao hoa chúc mừng Thầy, cũng là trao Thầy cả sự kỳ vọng, niềm tin, sự ủy thác và mong đợi” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng dẫn lời khuyên từ một cuốn sách cổ của phương Đông: “Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường nhi bất tức”. Đại ý là: Vũ trụ vận hành và luôn đổi thay cực mạnh mẽ, người trí thức làm lãnh đạo cũng phải luôn làm mới và tự mình mạnh mẽ thêm không ngừng theo cùng sự vận hành mạnh mẽ của vũ trụ.

Cũng nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng trân trọng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà nhiều thế hệ tập thể lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, viên chức, người lao động, các thầy cô giáo, học viên, sinh viên, học sinh của Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.

Đặc biệt, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường, cùng ban lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và nhà trường; đồng thời gửi lời thăm hỏi, lời cảm ơn và chúc sức khỏe tới GS.TS. Đỗ Việt Hùng - Nguyên Chủ tịch Hội đồng trường; cảm ơn các nhà giáo công tác trong trường và sinh viên đang học tập tại trường bởi sự lựa chọn nghề nghiệp, học và làm nhà giáo; bởi những đóng góp đã có và sẽ có trong tương lai, cho ngành Giáo dục và cho đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn tặng hoa cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng nhà trường.

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn tặng hoa cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng nhà trường.

Với tư cách là Hiệu trưởng nhà trường, thay mặt tập thể lãnh đạo Trường, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn cho biết sẽ lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo, định hướng, gợi ý của Bộ trưởng để triển khai thực hiện. Mong Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhà trường trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT).

Trong những năm qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã luôn cố gắng và đạt được nhiều thành tích trong giáo dục rất đáng khích lệ. Đây là trường ĐH trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo ĐH, sau ĐH có chất lượng cao.

Hiện, Trường có 45 ngành đào tạo trình độ ĐH; trong đó có 28 chuyên ngành sư phạm, 17 chuyên ngành ngoài sư phạm, 55 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 43 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Trường đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng chu kì 2 theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Nhà trường không ngừng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng dạy có trình độ cao, có phẩm chất chính trị vững vàng, nhiệt huyết, cống hiến lâu dài. Với hơn 1.030 viên chức, người lao động, trong đó có 648 giảng viên (11 giáo sư, 115 phó giáo sư, 304 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học). Đây chính là nguồn lực quý giá góp phần nâng tầm vị thế của nhà trường trong nước cũng như khu vực.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-truong-trao-quyet-dinh-cho-tan-hieu-truong-truong-dh-su-pham-ha-noi-post683301.html