Bộ trưởng Nông nghiệp chủ trì hội thảo bảo vệ rừng tại nơi rừng bị phá nhiều nhất

Sau nhiều lần rừng bị phá, sáng 22/6, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vào Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chủ trì hội nghị 'Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên'.

Một vụ phá rừng ở vừa xảy ra tại Đắk Lắk

Một vụ phá rừng ở vừa xảy ra tại Đắk Lắk

Theo số liệu công bố tại đây, Tây Nguyên hiện có 2.559.956 hecta rừng (bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán), chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước. Những năm qua, rừng Tây Nguyên liên tục sụt giảm. Điển hình năm 2019, diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753 hecta; trong đó, 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh gồm: Đắk Lắk (11.419 hecta), Đắk Nông (7.156 hecta) và Đắk Nông (494 hecta).

Không chỉ giảm diện tích, chất lượng rừng (đặc biệt rừng tự nhiên) của toàn khu vực bị suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu còn rất thấp chỉ chiếm khoảng 18,40% ; còn lại rừng nghèo và rừng phục hồi.

Diện tích rừng bị lấn chiếm trở thành rẫy dân

Diện tích rừng bị lấn chiếm trở thành rẫy dân

Nguyên nhân rừng suy giảm do bị phá, bị lấn chiếm trái pháp luật. Sự việc này diễn ra gay gắt từ nhiều năm nay tập trung tại các khu vực giao cho Lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Điều này cho thấy, diện tích rừng bị mất, lấn chiếm đều có chủ, có chính quyền giám sát, quản lý. Các ban ngành chức năng trong hội nghị thẳn thắn nhìn nhận để xảy ra mất rừng có sự yếu kém, buôn lỏng quả lý của một số chủ rừng; sự thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn nạn phá rừng của chính quyền địa phương; sự thiếu chặt chẽ giữa các cấp ngành trong công tác quản lý bảo vệ rừng…

Trong hội nghị này, Bộ Trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lại chỉ đạo các địa phương xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng và cả chính quyền địa phương; bảo vệ bằng được diện tích rừng còn lại.

Ông cũng đề nghị trung ương sớm bố trí kinh phí cho các tỉnh Tây Nguyên triển khai những dự án quy hoạch di dân tự do đã được phê duyệt nhằm giảm áp lực phá rừng, lấn chiếm đất rừng; Rà soát điều chỉnh lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) để hình thành 1 bộ hồ sơ quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp; Xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững…

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-nong-nghiep-chu-tri-hoi-thao-bao-ve-rung-tai-noi-rung-bi-pha-nhieu-nhat-1677099.tpo