Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan: Bộ mặt nông nghiệp Việt Nam nằm ở Hà Nội

Chiều 1/12, UBND TP Hà Nội đã có cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về phát triển nông nghiệp Thủ đô.

Dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện một số Cục, Vụ, Viện, các sở, ban ngành của TP Hà Nội.

Hà Nội sẵn sàng làm thí điểm

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, trong hơn 10 năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn của Thành ủy - HĐND - UBND TP và Bộ NN&PTNT. Nhờ đó, ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Bước vào giai đoạn mới, Hà Nội cần có tư duy đổi mới về phát triển nông nghiệp. Xác định được mô hình phát triển phù hợp với điều kiện Thủ đô. Trong đó, mục tiêu chính đặt ra là phục vụ cho quy mô 10 triệu dân và tập trung vào một số lĩnh vực có thế mạnh.

Nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều bước phát triển tiến bộ trong những năm qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, Hà Nội đang tập trung vào phát triển lĩnh vực giống cây trồng - vật nuôi. Hiện, TP đang đặt đầu bài với Học viện Nông nghiệp và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu giống lúa bảo đảm 2 tiêu chí về chất lượng là hỗ trợ giảm béo phì và tiểu đường.

Liên quan đến lũ rừng ngang, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, lãnh đạo TP rất trăn trở; “không biết bao nhiêu năm rồi người dân vùng ven sông Bùi bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, có chỉ đạo sớm về nội dung này…”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, vừa qua, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhiều quy hoạch ven sông Hồng. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả được những diện tích này, TP mong muốn Bộ NN&PTNT ghé vai cùng, giải quyết những vấn đề về quy định hành lang thoát lũ, nâng cấp hệ thống đê điều để phục vụ các mục tiêu phát triển.

Về định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp mới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội sẵn sàng tiên phong, làm thí điển cho các dự án, đề án thúc đẩy phát triển nông nghiệp của Bộ NN&PTNT. Sự phát triển của Hà Nội sẽ là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Gợi mở nhiều định hướng phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), 3 nhiệm kỳ gần đây, mỗi nhiệm kỳ ít nhất có 1 - 2 lần làm việc giữa lãnh đạo 2 bên. Qua mỗi kỳ làm việc, tôi cảm nhận thấy những thay đổi lớn trong nông nghiệp, nông thôn.

Nhấn mạnh quan điểm “hiếm có quốc gia nào mà có Thủ đô phát triển nông nghiệp như tại Hà Nội” - ông Nguyễn Văn Việt đồng thời cho biết TP cần cần có những cách làm khác. Trong đó, chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, không thể sản xuất những nông sản mà các địa phương xung quanh cũng có.

Đại diện Cục Đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại cuộc làm việc.

Liên quan đến khai thác khu vực bãi sông, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, về quy hoạch bãi sông, trước đây khu vực bãi sông bị cấm hoàn toàn việc xây dựng nhưng nay đã có nhiều tỉnh như Hà Nam khai thác tương đối hiệu quả.

Trong Quyết định số 257/QĐ-TTg đã nêu rất rõ những khu vực Hà Nội được phép xây dựng. Hiện, Hà Nội đang làm quy hoạch Thủ đô, nên kiến nghị trong đó cần quy định rõ các khu vực phát triển, để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Liên quan đến lũ sông Bùi, sông Tích, ông Phạm Đức Luận cho biết, Hà Nội đã rất quan tâm, nâng cấp thường xuyên nhưng chưa có giải pháp hiệu quả cho bờ hữu sông Bùi. Vừa qua, đã có 2 cơ quan của Bộ NN&PTNT nghiên cứu nội dung này và Hà Nội có thể phối hợp để tìm giải pháp phù hợp trong quá trình làm quy hoạch.

Chia sẻ tại cuộc làm việc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác & PTNT (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh đề nghị Hà Nội cụ thể hóa các nội dung đã ký kết với Đại học Lund (Thụy Điển) và Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ thế giới tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 mới đây.

Ông Lê Đức Thịnh cũng cho rằng, TP nên có nhiều hơn chính sách khuyến khích các cộng đồng nghề. Trong phát triển làng nghề, cần chú trọng vấn đề môi trường. Ngoài giảm mật độ, cần đi vào đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, giảm các yếu tố phát thải gây ô nhiễm. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu để sản phẩm làng nghề vươn xa.

Kiến nghị tổ chức diễn đàn đôi bên phát triển nông nghiệp

Đánh giá cao kết quả mà ngành nông nghiệp Hà Nội đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng thời nhấn mạnh: Bộ mặt Quốc gia ở Thủ đô thì bộ mặt nông nghiệp của Việt Nam cũng phải ở Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, rào cản của nông nghiệp nói chung hiện nay là quản lý đơn ngành, cắt khúc nên giá trị tịnh tiến chậm. “Chúng ta đang sống trong nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp dựa trên AI, Big Data. Thế giới đang tư duy nông nghiệp như vậy chứ ko phải là 1 sào ra bao nhiều tạ lúa…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp mong muốn Thủ đô cần phát triển thành nền nông nghiệp tri thức. Đây là điều hoàn toàn có thể, bởi Hà Nội là địa bàn đứng chân của 3 cơ sở giáo dục lớn (Học viện Nông nghiệp, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thủy lợi). Đó là chưa kể các Cục, Vụ, Viện…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, Hà Nội hiện nay có nhiều lợi thế, nhưng vẫn đang bị tách rời. Do đó “cần có tư duy mở để tạo không gian phát triển lớn hơn…”. Nếu vẫn giữ tư duy diện tích - năng suất thì không được bao nhiều, không chừng sẽ uổng mất thời cơ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến nghị Hà Nội nghiên cứu, phối hợp tổ chức một diễn đàn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Muốn vậy, Hà Nội cần phải có quy hoạch rõ ràng cho nông nghiệp. “Quy hoạch là cách marketting, để doanh nghiệp sẵn có nguồn vốn, nhìn thấy cơ hội đầu tư và sẵn sàng tham gia cùng…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-truong-nnptnt-le-minh-hoan-bo-mat-nong-nghiep-viet-nam-nam-o-ha-noi.html