Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ứng phó hạn hán phải thay đổi tư duy sản xuất

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh tư liệu: Thanh Hòa/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Việt Nam có thời gian đã từng tự hào là quốc gia có nhiều nước. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, Việt Nam đã có nhiều vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước, vì vậy những điều Israel đang làm mang lại niềm hy vọng cho các quốc gia; trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, thông qua hội thảo, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm từ quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều địa phương đang diễn ra gay gắt cũng như tương lai có thể trầm trọng hơn và nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất.

Ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho hay, Israel sẵn sàng tư vấn cho Việt Nam các công nghệ phù hợp với từng thổ nhưỡng. Israel đang có những phái đoàn đi tìm hiểu về nhu cầu nước tưới sản xuất ở một số địa phương. Từ đó, có thể tìm ra được cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Để tạo nguồn nước cho các vùng sa mạc, đại diện phía Israel cho biết: Họ chở nước bằng đường ống có gắn công nghệ để phát hiện sự thất thoát nước trong quá trình vận chuyển. Hay việc khử mặn sẽ làm chi phí tăng cao nhưng như vậy sẽ không phụ thuộc vào nguồn nước ngọt ở các nước khác.

Để có những công nghệ cao như hiện nay về tưới tiết kiệm, Israel đã có chương trình đổi mới sáng cấp Chính phủ và chương trình đã rất thành công. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ, nhưng nay thì 97% các nghiên cứu là doanh nghiệp tự đầu tư.

Ở Israel, nông dân sử dụng nước có hạn ngạch và nếu nông dân sử dụng vượt hạn ngạch thì sẽ phải trả thêm chi phí rất cao. Trước đây, Israel chủ yếu sử dụng hệ thống tưới phun, nhưng tới nay 65% đã sử dụng tưới nhỏ giọt. Bởi, tưới phun sẽ gây tốn điện, nước bốc hơi nhanh hơn dẫn đến tiêu tốn nước nhiều hơn. Nhờ đó, nhiều khu vực sa mạc ở Israel có thể lên đến trên 40 độ C, nhưng vẫn trồng được rau với chất lượng và giá bán cao.

Tại hội thảo, ông Vũ Kiên Trung, đại diện Công ty Netafim (Israel) bày tỏ, doanh nghiệp đã vào Việt Nam được 26 năm và là đơn vị tiên phong tạo ra nền tảng ứng dụng tưới tiết kiệm, tưới chính xác hiện đang ứng dụng đài trà trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ của Netafim đã được áp dụng cho hàng chục nghìn hécta cây trồng như: rau hoa Lâm Đồng, thanh long Bình Thuận, khoai lang ở Tây Nguyên…

Riêng về việc áp dụng tưới nhỏ nhọt trên cây cà phê, công ty đã dành nhiều nguồn lực đầu tư vì đây là cây trồng khó thay đổi tập quán của nông dân từ tưới phun sang tưới nhỏ giọt. Hiện nay, nhiều nông dân và một số công ty cà phê đã thực hiện tái canh theo giải pháp của Netafim.

5 năm tới, tái canh cà phê ở Việt Nam sẽ diễn ra trên diện rộng. Việc tái canh cần có quy trình tiên tiến hơn. Công ty đã thành lập vườn thực nghiệm với giải pháp tái canh cà phê với tưới nhỏ giọt. Mặc dù nông dân hiểu rõ lợi ích và hiệu quả của giải pháp song do nhiều yếu tố nên chưa phát triển mở rộng được, ông Vũ Kiên Trung cho hay.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết: Việt Nam đã có 530.000 ha áp dụng tưới tiết kiệm nước, nhưng cơ bản là tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt còn rất ít.

Diện tích cây cà phê tại xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt ngây hạn hán, thiếu nước, các công nghệ tưới và việc lựa chọn công nghệ tưới được Việt Nam rất quan tâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch hành động về tưới tiết kiệm nước. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ các dự án có tưới tiết kiệm nước. Nhiều dự án thủy lợi như ở Bình Thuận đã áp dụng giải pháp cấp nước bằng đường ống áp lực nước, từ đó giúp sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm thuận lợi…

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Israel khá hiểu rõ về các vùng khô hạn của Việt Nam, đặc biệt là xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên. Ngành nông nghiệp mong muốn Israel hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực dự báo về hạn hán để tăng thêm độ tin cậy trong dự báo. Với nhiều kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong vùng khô hạn; hay đào tạo, xây dựng mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm… Israel có thể hỗ trợ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm cũng như các chính sách của Israel, ông Nguyễn Tùng Phong mong muốn, các địa phương nâng cao tri thức hóa nông dân về ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm cũng như sử dụng nước tiết kiệm.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-truong-le-minh-hoan-ung-pho-han-han-phai-thay-doi-tu-duy-san-xuat-20240510141655552.htm