Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Gỡ khó cho doanh nghiệp, chỉ giảm thuế là chưa đủ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ các biện pháp giảm thuế, mà cần nhiều giải pháp khác.

Gỉam 200 nghìn tỷ đồng thuế cho doanh nghiệp

Chia sẻ với báo giới trong ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả xuất nhập khẩu của cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD). Tuy nhiên, do tốc độ giảm kim ngạch của nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu, nên cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 vẫn thặng dư 28 tỷ USD, vượt xa con số 11,2 tỷ USD của năm 2022.

Năm qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt trong vấn đề tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tạo nên một động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Tại sao khi tăng trưởng kinh tế chỉ có 5,05 %, nhưng thu ngân sách vẫn tăng cao. Trong khi đó, Chính phủ vẫn giảm thuế cho các doanh nghiệp lên đến khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Vậy thì nguồn thu từ đâu? Chúng tôi hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhưng trong quá trình triển khai đã sáng tạo và đổi mới trong quản lý thu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, để gỡ khó cho doanh nghiệp, chỉ giảm thuế là chưa đủ

Lãnh đạo Bộ Tài chính nêu ví dụ, như khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thì năm 2023 đã có 73 doanh nghiệp của nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đều cũng đã đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã triển khai phát hành hóa đơn điện tử và quản lý chặt từ hóa đơn điện tử, tăng thu về cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cơ quan thuế đã quản lý chặt chẽ vấn đề hoàn thuế, chống chuyển giá, cũng như kết nối dữ liệu liên thông với máy tính tiền và phát hành hóa đơn may mắn…

“Những giải pháp đó đã đưa lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bên cạnh việc triển khai các giải pháp giãn, hoãn các khoản thuế phí trong những năm gần đây”, Bộ trưởng Phớc khẳng định.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2024, Bộ Tài chính đề xuất và Quốc hội đã quyết định giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị giảm thuế môi trường trong xăng dầu và giảm các loại phí, lệ phí và giảm 30% tiền thuê đất hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp thì không chỉ các biện pháp giảm thuế, mà còn nhiều giải pháp khác như: tháo gỡ những nút thắt về mặt pháp lý, mở thị trường tiêu thụ, về tín dụng, ngân hàng; hoặc tháo gỡ thông qua việc đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính… “Như vậy, cần rất nhiều giải pháp để cùng với giải pháp tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định: “Về mặt lý thuyết, trong ngắn hạn có thể chúng ta giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng trong dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công, đảm bảo bội chi ngân sách thấp, phải có giải pháp cho tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về thuế ổn định”.

Chính sách giãn thuế, giảm thuế đã giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh

Minh bạch hóa thị trường tài chính

Chia sẻ về câu chuyện nợ công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, nợ công của Việt Nam nhận được sự đánh giá rất tốt từ các tổ chức quốc tế. Theo thống kê, nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ 61,4% GDP (năm 2017) xuống còn 58,3% GDP (năm 2018), 55,9% GDP năm 2020 và đến năm 2021 là 43,1%. Năm 2022, mức nợ công được dự tính tương đương với năm 2021, khoảng 43-44% GDP. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60%. Nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP.

“Nếu nhìn vào các con số đó, chúng ta thấy rằng, còn dư địa lớn để chúng ta có thể huy động nợ công phục vụ cho các công trình hạ tầng thiết yếu, các công trình hạ tầng và kiến tạo phát triển trong tương lai. Khi các công trình đó đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao nhất, sẽ đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế một cách cao nhất”, Bộ trưởng nói.

Về các giải pháp quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư,Bộ trưởng Tài chính cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn tốt. Thời gian qua, việc quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được thực hiện bài bản, chính xác, đúng đắn.

Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, nhưng lại vừa thiết lập trật tự, kỷ cương để minh bạch hóa thị trường tài chính.

“Đối với kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo chiến lược chúng ta huy động khoảng 25% GDP. Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 1 triệu tỷ đồng, tức là chưa đầy 10% GDP. Như vậy, chúng ta còn dư địa khoảng 15-16% GDP để huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết khó khăn và sự phát triển của của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nêu.

Tuy nhiên, việc thực hiện phải theo đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần các doanh nghiệp vay được của người dân thì phải trả được cho người dân đúng hạn và thực hiện đúng mục tiêu của khoản vay, không dùng khoản vay này để chi cho các khoản vay khác và không trả được nợ, gây mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư dẫn đến ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-go-kho-cho-doanh-nghiep-chi-giam-thue-la-chua-du-302910.html