Bộ TNMT phải 'xuống nước' để đưa bùn lên bờ

Sau khi xem xét đề xuất, Bộ TNMT, tỉnh Bình Thuận và các đơn vị thống nhất phương án đổ bùn vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định này thể hiện động thái "xuống nước" của Bộ TNMT.

Trước đó, như tin đã đưa, Bộ TNMT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30ha, cách Hòn Cau 8km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là 31-36m.

Đại diện Bộ khẳng định giấy phép nhận chìm mới là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các khâu chuẩn bị khác, chưa phải giao biển cho doanh nghiệp.

Quyết định này vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và tổ chức liên quan, vì cho rằng có thể xảy ra "thảm họa môi trường". Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá mức độ tác động môi trường nếu thực hiện phương án nhận chìm.

Tỉnh Bình Thuận sau đó có văn bản gửi một số cơ quan Trung ương và Bộ Tài nguyên đề xuất dùng chất nạo vét san lấp công trình kè biển chống sạt lở ở Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận cao của giới khoa học. Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, chủ đầu tư cần chấp thuận giải pháp này dù tốn kém về kinh tế hơn rất nhiều so với phương án nhận chìm ra biển Bình Thuận.

Cho đến sáng qua (9/8), Bộ TNMT và tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan liên quan đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo đó, Bộ TNMT thống nhất phương án do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất, sẽ đưa toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Khu vực đổ là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền và phần diện tích này trước đó Công ty Cổ phần cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn cát nạo vét...

/**/

Sau khi quyết định này được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, động thái trên thể hiện sự yếu kém trong quản lý kinh tế nên BộTNMT mới phải "xuống nước" như vậy.

Dẫn theo vov.vn, xét từ góc độ quản lý nhà nước và nền quản trị công thì các thông tin trên không phải tin vui, mà trái lại nó mang nỗi buồn, là biểu hiện rõ ràng sự yếu kém trong quản lý phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Bởi vì, nếu quản trị tốt đã không để xảy ra cơ sự. Đó là kết cục sau áp lực dư luận xã hội, sau hàng loạt các phản biện của giới khoa học và báo giới.

Bên cạnh đó, khi dư luận lo lắng an toàn môi trường biển bị đe dọa nếu dự án này được thực thi, chính Bộ TNMTvà đơn vị trực tiếp làm dự án nhận chìm bùn thải đó đã có những lý lẽ, dẫn chứng quanh co tìm cách bảo vệ tính đúng đắn, hợp pháp và khoa học của dự án nhận chìm bùn thải ra biển này.

Liên quan vấn đề này, chia sẻ trên vietnamnet trước đó, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cũng thừa nhận Bộ còn khiếm quyết trong quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Chẳng hạn, luật hiện hành là chưa có ĐTM thì chưa được cấp phép đầu tư. ĐTM làm sớm thế thì làm sao đã có cơ sở để làm tốt. Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi theo hướng khi dự án đã thiết kế xây dựng đầu tư thì đồng thời làm ĐTM.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hà cũng cho rằng nhà quản lý ở mỗi khâu, mỗi lĩnh vực cũng phải rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của mình. Chứ như hiện nay, không chỉ người dân mà ngay cơ quan quản lý cũng cứ nghi nghi, ngờ ngờ chứ không có cơ sở nào để ràng buộc trách nhiệm bên tư vấn cả.

Bộ trưởng cũng nói thêm, một bài học lớn trong câu chuyện Vĩnh Tân 1 là công tác truyền thông. Cơ quan quản lí quá tập trung vào khoa học, vào chuyên môn. Cá nhân bộ trưởng phải chịu trách nhiệm tất cả các lĩnh vực của Bộ, mà lĩnh vực vào cũng nóng - nào môi trường, nào tài nguyên, nào đất đai.

"Cá nhân tôi cũng nỗ lực nhiều khi nhận điện thoại, trả lời phỏng vấn, giải thích cái này là cát, là bùn, là sỏi, không phải chất thải, không nguy hại… Nhưng làm sao truyền thông theo kiểu ấy mãi được", bộ trưởng chia sẻ trên vietnamnet.

Hương Nguyễn (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/bo-tnmt-phai-xuong-nuoc-de-dua-bun-len-bo-205132.htm