Bộ Tài chính đôn đốc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ 'tiêu tiền'

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của 6 địa phương là: Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Tỉnh Bình Dương (Ảnh minh họa)

Giải ngân 4 tháng của 6 tỉnh không có nhiều đột phá

Trong 3 tháng đầu năm, 6 tỉnh thuộc trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 5 cơ bản có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cụ thể: Bình Thuận đạt 8,77%; Gia Lai đạt 6,31%; Đồng Nai đạt 10,59%; Bình Dương đạt 11,98%; Bình Phước đạt 10,7%; Tây Ninh đạt 13,6%.

Ước dự kiến khả năng giải ngân 4 tháng của 6 tỉnh này cũng không có nhiều đột phá. Cụ thể: Bình Thuận 12,88%; Gia Lai 11,37%; Đồng Nai 18,43%; Bình Dương 16,79%; Bình Phước 16,36% và Tây Ninh 18,18%.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 3/2024, tại 6 địa phương này vẫn còn nhiều dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024).

Cụ thể, tỉnh Bình Thuận 5 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Đồng Nai 5 dự án; tỉnh Bình Dương 2 dự án; tỉnh Bình Phước 4 dự án; tỉnh Tây Ninh 2 dự án.

Để đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên 95% theo Công điện số 24/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh và các sở, ngành liên quan ngoài việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định, cần thực hiện việc phân bổ chi tiết vốn theo đúng quy định tại Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Trong đó, rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải và theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân.

Tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng…

Ngoài việc kiến nghị các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu, Bộ Tài chính còn kiến nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị địa phương tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chỉ đạo các chủ đầu tư, các hội đồng bồi thường, GPMB khẩn trương kiểm đếm, đền bù… để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị ngay khi nhận được kế hoạch vốn được giao (điều chỉnh, bổ sung nếu có) cần gửi ngay đến Kho bạc Nhà nước để có cơ sở kiểm soát, thanh troán theo quy định.

Phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn.

Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn các dự án giao thông trọng điểm

Bên cjanh đó, về các dự án giao thông trọng điểm, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4426/BTC-VĐT gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương phân bổ vốn và giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Để Bộ GTVT và các địa phương nắm bắt được tình hình giải ngân vốn của từng dự án làm cơ sở để triển khai các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc, Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân 3 tháng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 - chi tiết các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn NSNN năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là 125.608,2 tỷ đồng, chiếm 19,1% tổng kế hoạch vốn NSNN Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (657.348,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/3 các dự án mới giải ngân được 14.030,88 tỷ đồng, đạt 11,2% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%), trong đó tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương chỉ đạt 6,2% kế hoạch năm 2024.

Đặc biệt, đến hết 31/3, có một số dự án chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đã được phân bổ, hoặc có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 0,1% kế hoạch).

Một số dự án chưa được giao kế hoạch năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, hoặc mới giao số kế hoạch vốn nguồn vốn NSĐP rất thấp như dự án thành phần 2 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 chưa được giao kế hoạch năm 2024;

Dự án thành phần 1.1 thuộc Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội còn 1.506 tỷ đồng kế hoạch trung hạn 2021-2025 chưa giao; dự án thành phần 2.1 thuộc Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội còn 2.957 tỷ đồng kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 chưa giao…

Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2024 cho các dự án theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đảm bảo dự án đáp ứng đủ nhu cầu vốn thực hiện theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Bộ GTVT và các địa phương cần khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021...

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/bo-tai-chinh-don-doc-6-dia-phuong-day-nhanh-tien-do-tieu-tien-20240503114928967.htm