Bộ sưu tập gần như vô giá trị của cố Thủ tướng Ý

Bộ sưu tập nghệ thuật với số lượng rất lớn của cố Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi (ông qua đời tháng 6-2023) đang gây chú ý lớn với dư luận khi nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu của Ý là Vittorio Sgarbi không ngần ngại đưa ra đánh giá: 'Vô giá trị'.

Ông Silvio Berlusconi mua tranh như một cách để quên đi những căng thẳng trong việc kinh doanh cũng như trên chính trường. Ảnh: GETTY IMAGES/THE TIMES

Ông Silvio Berlusconi, người từng sở hữu khối tài sản ròng khoảng 6 tỷ euro (gần 158.000 tỷ đồng), đã mua rất nhiều tranh, tượng trong bộ sưu tập gồm khoảng 25.000 tác phẩm của mình tại những phiên đấu giá trên truyền hình lúc khuya muộn.

Kết quả của “những đêm mất ngủ”

Chỉ sau khi ông Silvio Berlusconi qua đời ở tuổi 86, dư luận mới biết ông là người đã mua rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật. Ông đã bỏ ra khoảng 20 triệu euro để mua chúng, và thường mua trong các cuộc đấu giá khuya trên tivi.

Trong bộ sưu tập đó có nhiều bức vẽ ca sĩ Madonna, vẽ phụ nữ khỏa thân và vẽ phong cảnh các thành phố. Theo ông Vittorio Sgarbi, hầu hết số tranh này hoặc chất lượng kém hoặc vô giá trị. Chỉ có 6 hay 7 bức trong đó có giá trị nghệ thuật. Gộp lại, bộ sưu tập có giá trị ước tính khoảng 20 triệu euro (khoảng 523 tỷ đồng).

Bộ sưu tập này hiện đang được giữ tại nhà kho rộng khoảng 360.000km2 ở gần biệt thự của ông Berlusconi tại Arcore, bên ngoài thành phố Milan. Mỗi năm tốn khoảng 800.000 euro (khoảng 20 tỷ đồng) kinh phí duy trì hoạt động của nhà kho này. Theo đài BBC, một phần của bộ sưu tập đã bị sâu mọt làm hỏng và trong một số trường hợp, chi phí để diệt lũ mọt còn đắt hơn cả giá trị tác phẩm.

Tuy nhiên, ông Berlusconi cũng có những bức tranh chất lượng, trong đó có các tác phẩm của danh họa thời Phục Hưng Tiziano Vecellio (họa sĩ vĩ đại nhất thời Phục Hưng của Ý), và bậc thầy hội họa người Hà Lan Rembrandt Harmenszoon van Rijn.

Theo chia sẻ của ông Cesare Lampronti, doanh nhân chuyên mua bán tranh tại London, cũng là người làm việc gần gũi với thủ tướng Ý trong suốt ba thập kỷ, ông Berlusconi là người mua khá bốc đồng. “Ông ấy biết những gì mình đang mua là vô giá trị”, ông Cesare Lampronti cho biết.

Nhà phê bình nghệ thuật Vittorio Sgarbi, người từng làm việc trong bộ văn hóa Ý, cũng là bạn thân của ông Berlusconi cho biết xu thế mua tranh “điên cuồng” của ông Berlusconi bắt đầu vào khoảng năm 2018 và là kết quả của “những đêm mất ngủ”. Tương tự, ông Cesare Lampronti, một nhà buôn tranh biết rất rõ ông Berlusconi, Thủ tướng Ý mua tranh như một cách để quên đi những căng thẳng trong việc kinh doanh cũng như trên chính trường.

Bên cạnh tranh vẽ phụ nữ khỏa thân và phong cảnh, bộ sưu tập còn có hàng trăm bức vẽ về đề tài tôn giáo do một nhà buôn tranh là Galleria Newarte ở gần thành phố Naples bán cho ông Berlusconi. Người sở hữu những bức tranh đó, ông Giuseppe De Gregorio, kể lại với tờ Report rằng ông không thể tin nổi khi nhận được điện thoại từ Thủ tướng Berlusconi khi ông ấy hỏi mua một bức tranh có giá khoảng 150 euro.

“Ông ấy nói: "tôi sẽ lấy nó!”, ông De Gregorio nhớ lại. Cũng từ đó, ngoài những thỏa thuận mua bán tranh, giữa họ đã hình thành một tình bạn thân thiết theo thời gian. Trong bộ sưu tập khổng lồ của ông Berlusconi còn có một bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng cao 3m, tạc chân dung thủ tướng Ý chính là quà tặng của ông De Gregorio cho ông Berlusconi sau những lần mua tranh với tổng giá trị lên tới hàng chục ngàn euro.

Những người thừa kế lúng túng

Được thừa kế hàng tỷ USD từ số tài sản của ông Silvio Berlusconi bao gồm một CLB bóng đá, các bất động sản, du thuyền và đài truyền hình thương mại lớn nhất của Ý Mediaset, nhưng 5 người con của ông đang ở vào tình thế khó xử: phải làm gì đây với bộ sưu tập khổng lồ gồm toàn những tác phẩm nghệ thuật vô giá trị. Theo báo La Repubblica (Ý), bộ sưu tập đang trở thành gánh nặng với họ, trước hết vì khoản kinh phí duy trì khoảng 800.000 euro mỗi năm đã nói ở trên.

Theo báo I (Anh), gia đình ông Silvio Berlusconi đang xem xét phương án đốt bỏ bộ sưu tập và chỉ giữ lại những bức có giá trị nhất. “Tôi không biết việc hủy bỏ những bức tranh đó đã bắt đầu chưa”, báo La Repubblica dẫn lời ông Sgarbi. “Tôi hiểu rằng, ít nhất ở cấp độ nghệ thuật, đó sẽ không phải là một tội”, nhà phê bình mỹ thuật nói.

Báo Guardian cho biết gia đình ông Berlusconi đang tính toán phương án biến khu biệt thự Villa San Martino - nơi cố thủ tướng Ý thường tổ chức các cuộc hội họp về chính trị và thương mại khi đương chức - trở thành bảo tàng. Ông Berlusconi từng ba lần giữ chức thủ tướng Ý là một chính trị gia gây nhiều tranh cãi lúc sinh thời với các scandal về tình ái và các cáo buộc gian lận thuế.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202310/bo-suu-tap-gan-nhu-vo-gia-tri-cua-co-thu-tuong-y-3958917/