Bổ sung kinh phí, mặt bằng cho công tác thu gom, xử lý rác thải

Trước thực trạng rác thải ngày một tăng, việc bổ sung kinh phí, mặt bằng cho các dự án thu gom, xử lý rác thải là nhu cầu cấp thiết. Cùng với quy hoạch, triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, thu hút nguồn lực xã hội hóa (XHH), từng bước nâng cao năng lực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.

HTX dịch vụ môi trường Đồng Thịnh (Sông Lô) thu gom, xử lý rác thải 2 lần/tuần, rác thải được vận chuyển về bãi rác tập trung, xử lý, phân loại theo đúng quy trình trước khi đưa vào lò đốt.Ảnh: Nguyễn Lượng

HTX dịch vụ môi trường Đồng Thịnh (Sông Lô) thu gom, xử lý rác thải 2 lần/tuần, rác thải được vận chuyển về bãi rác tập trung, xử lý, phân loại theo đúng quy trình trước khi đưa vào lò đốt.Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn 570 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại khu vực đô thị đạt 96% và khu vực nông thôn mới đạt 76%.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 230 bãi rác tạm thời với tổng diện tích hơn 31 ha. Hiện nay, có tới 75% lượng rác thải xử lý bằng hình thức chôn lấp thông thường, trong khi hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.

Để công tác thu gom, xử lý rác thải đi vào nền nếp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 55 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Quyết định số 2793 về đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; Quyết định số 11 về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất và giá cho thuê cơ sở hạ tầng đối với cơ sở thực hiện XHH công tác môi trường… Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, thống nhất triển khai từng nhiệm vụ cụ thể, bước đầu đạt hiệu quả nhất định.

Giai đoạn 2016 – 2022, tỉnh đã đầu tư hơn 1.867 tỷ đồng cho công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn; theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn được phân bổ từ 80 – 100 triệu đồng cho đầu tư bảo vệ môi trường (BVMT) mỗi năm; đối với các địa phương có làng nghề truyền thống được tỉnh phân bổ tăng lên mức 170 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ kinh phí duy trì công tác vệ sinh đường, ngõ xóm và xử lý tạm thời rác thải sinh hoạt trên địa bàn các xã, thị trấn, trên cơ sở đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và khối lượng thực hiện hằng năm.

Đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về BVMT được kiện toàn với 275 cán bộ công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến địa phương, 2.100 lao động trực tiếp thu gom, xử lý rác thải tại một số đơn vị tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử rác thải sinh hoạt như: Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên, các HTX vệ sinh môi trường đảm nhiệm công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.

Thực hiện XHH công tác thu gom, xử lý rác thải, ngoài cơ sở xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) của Công ty cổ phần môi trường Công nghệ Việt đã đi vào hoạt động với công suất xử lý giai đoạn 1 là 75 tấn/ngày, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 2 dự án là: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa (Lập Thạch) với tổng vốn đầu tư 263,2 tỷ đồng, công suất thiết kế xử lý 270 tấn rác/ngày và Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Tam Hồng (Yên Lạc) với tổng vốn đầu tư 131 tỷ đồng, công suất thiết kế xử lý 120 tấn rác/ngày.

Tuy nhiên, việc triển các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh hình thành được 5 khu xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động, đến nay mới chỉ có 1 khu xử lý. Nguyên nhân chính do người dân ở khu vực dự án lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường nên chưa đồng tình, ủng hộ việc triển khai dự án.

Mặt khác, ý thức phân loại rác thải của người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn còn thấp, trong khi đó, theo Quyết định số 18 của UBND tỉnh, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải đang áp dụng tại khu vực đô thị là 3.000 đồng/người/tháng, khu vực nông thôn là 2.000 đồng/người/tháng, mức giá này hiện không phù hợp với yêu cầu công việc, dẫn đến khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Để giải quyết bất cập đối với vấn đề VSMT trên địa bàn, thực hiện hiệu quả Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và VSMT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương đề xuất ban hành giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải phù hợp với nhu cầu thực tế; rà soát, cập nhật vị trí, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai xây dựng các dự án thu gom, xử lý rác thải, đồng thời, tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, xây dựng các điểm trung chuyển rác thải và tổ chức cải tạo, phục hồi môi trường tại các bãi rác tập trung. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, tạo sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương xây dựng các dự án thu gom, xử lý rác thải; tập trung nguồn lực xã hội hóa bổ sung kinh phí, mặt bằng cho các dự án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81847/bo-sung-kinh-phi-mat-bang-cho-cong-tac-thu-gom-xu-ly-rac-thai.html