Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Để thay thế, Bộ Công an hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện bảy phương thức khai thác thông tin thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, sau hơn hai tháng triển khai đã có một số vấn đề bất cập, cần các cơ quan chức năng nhanh chóng phối hợp khắc phục, giải quyết.

Người dân đến làm TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa phường Gia Cẩm, TP Việt Trì.

Chưa thực sự thuận lợi khai thác thông tin

Anh Lê Hồng Tuấn, ở tổ 20B, phường Nông Trang tới Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa UBND phường Nông Trang để làm thủ tục khai sinh cho con. Chỉ hơn mười phút, anh Tuấn đã hoàn tất thủ tục khai sinh. Anh Tuấn cho biết: Chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân (CCCD), giấy chứng sinh, cán bộ Tư pháp đăng nhập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến là có thể cập nhật thông tin và làm Giấy khai sinh cho con tôi.

Không như anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Lưỡng, ở khu Lê Quý Đôn, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì đến UBND phường Gia Cẩm để xin xác nhận tình trạng hôn nhân cho con gái. Khi nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa, chị được hướng dẫn quay về cơ quan Công an nơi cư trú để xin giấy xác nhận cư trú thay thế cho sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng vì thông tin về hộ khẩu, nhân khẩu của chị chưa được cập nhật đồng bộ trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh.

Theo ghi nhận của phóng viên, người dân làm TTHC tại các cơ quan chức năng chỉ nhanh chóng khi khai thác được dữ liệu công dân trên CCCD, truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tra cứu thông tin công dân và xác thực định danh cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Nếu không khai thác được, buộc người dân phải đi xác nhận thêm thông tin cư trú của Công an, đây là yếu tố mất thời gian và đi lại, nhất là trong trường hợp giải quyết TTHC xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Phan Thị Thanh Huyền - cán bộ tư pháp phường Gia Cẩm cho biết: Từ ngày 1/1/2023 đến nay, để nắm bắt thông tin cư trú của công dân khi giải quyết TTHC, chúng tôi thực hiện tra cứu thông tin công dân và xác thực định danh cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tuy nhiên, phương thức tra cứu này chỉ hiển thị thông tin hộ khẩu thường trú tại thời điểm hiện tại của công dân, dẫn đến gặp khó khăn trong giải quyết một số thủ tục như: Thủ tục đăng ký kết hôn, thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, xác nhận số nhân khẩu của hộ gia đình tại thời điểm được giao đất để làm các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho quyền sử dụng đất, xác nhận người đang sống cùng để giảm trừ thuế thu nhập cá nhân… Vì vậy, để có thể làm TTHC liên quan đến xác nhận tình trạng hôn nhân, công dân phải sử dụng một trong những giải pháp hiện tại là xin giấy xác nhận cư trú tại cơ quan công an nơi thường trú. Điều này khiến công dân phải đi lại nhiều lần.

Không chỉ lĩnh vực hộ tịch, các TTHC trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, đất đai, nhà ở, điện lực… đều gặp phải những khó khăn trong việc khai thác, sử dụng thông tin khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được sử dụng. Chị Đào Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp chia sẻ: Thông tin trên thẻ CCCD không thể hiện nhiều như sổ hộ khẩu giấy. Ví dụ khi làm thủ tục chứng nhận tài sản chung của một gia đình, chúng tôi không thể khai thác thông tin về quan hệ nhân thân trên thẻ CCCD vì CCCD không thể hiện. Hiện tại các Văn phòng công chứng chưa được cấp quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Với trường hợp này, Văn phòng sẽ yêu cầu họ phải có xác nhận của công an địa phương nơi cư trú. Như vậy, dễ gây phiền hà cho công dân.

Công an huyện Đoan Hùng thành lập các tổ lưu động làm CCCD cho những công dân không thể đến cơ quan Công an.

Đồng bộ hóa dữ liệu

Từ ngày 1/1/2023, khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng, Bộ Công an đã có hướng dẫn tới các cơ quan chức năng bảy phương thức khai thác thông tin cư trú của công dân. Trong đó có một số phương thức cơ bản gồm: Sử dụng căn cước công dân gắn chip (có thiết bị chuyên dụng để đọc chip), ứng dụng VNeID, thiết bị đọc mã QR hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú… trong mọi giao dịch hành chính công. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp này hiện nay đều chưa thể sử dụng trơn tru, đồng bộ. Vì vậy, đối với những TTHC cần tới thông tin chính xác về nhân thân, cư trú, người dân vẫn phải có giấy xác nhận cư trú của Công an cấp xã.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - công chức văn phòng phường Nông Trang, TP Việt Trì cho biết: Theo hướng dẫn, sẽ có nhiều phương thức được sử dụng để thay thế cho sổ hộ khẩu nhưng các phương thức này đều đang có những vấn đề bất cập. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa UBND các xã, phường chưa được cấp hệ thống thiết bị chuyên dụng để đọc mã chip trên CCCD của công dân. Mã QR Code trên thẻ CCCD cũng chỉ hiển thị được các thông tin cá nhân cơ bản như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…, không đủ thông tin cần thiết để triển khai thực hiện một số TTHC… Như vậy, người dân phải sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú do Công an cấp để chứng minh thông tin cá nhân nơi cư trú.

Qua ghi nhận các ý kiến phản ánh, còn khá nhiều vấn đề dẫn đến các bất cập, vướng mắc trong giải quyết TTHC khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng. Các địa phương đề nghị các cấp, các ngành đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ đầy đủ dữ liệu Quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo lộ trình Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để giảm bớt thời gian xác minh thông tin hoặc thời gian người dân phải đến các cơ quan chức năng khác để xác nhận. Bên cạnh đó, mặt bằng trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân chưa cao, thủ tục nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công thao tác chưa thực sự thuận lợi, gây khó khăn cho người dân, nhất là người lớn tuổi…

Thay thế quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy bằng quản lý theo thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là xu hướng tất yếu. Trước những vấn đề thực tế nảy sinh, gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện TTHC như đã phản ánh ở trên, rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và sự theo dõi, chỉ đạo kịp thời, sát thực tế của các bộ, ngành Trung ương để khắc phục nhanh các bất cập, tạo sự thuận tiện, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/bo-so-ho-khau-giay-can-hoan-thien-co-so-du-lieu/191449.htm