'Bỏ ruộng' để đưa con đi tiêm phòng

Theo ông Nguyễn Đức Quế, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật, bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Hà Giang, do người dân địa phương chủ yếu làm ruộng, nên khi đưa con đi tiêm phòng, con bị sốt 1-2 ngày, họ phải bỏ ruộng nên không cho con đi tiêm nữa. Tuy nhiên, từ khi các đội y tế thôn bản đến tận nhà tư vấn, đến nay tỷ lệ tiêm chủng tại xã đã đạt 94%.

Điểm tiêm ngoại trạm tại thôn Lùng Vùi. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Lập các điểm tiêm ngoại trạm

Thượng Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Các dân tộc chủ yếu sinh sống nơi đây là người Dao, người Tày và một số ít người Mông. Mặc dù người dân có phong tục sinh sống rải rác tại các triền núi cao, thưa thớt người, nhưng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ ở xã luôn đạt ở mức cao, khoảng 94%.

Anh Triệu Chòi Chìu, Trưởng thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn cho biết, cả thôn có 174 hộ, nhưng do người dân sống rải rác, có hộ chỉ cách trung tâm thôn khoảng 5km, nhưng đường hẹp, đất đá khó đi, gặp những ngày mưa gió cũng phải mất nửa ngày đường. Vì vậy, công tác tuyên truyền về tiêm chủng và vận động bà con đưa trẻ đi tiêm gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bằng nhiều cách như nhắn tin, gọi điện, hoặc thông qua đội y tế thôn bản đến gõ cửa từng nhà, có đội y tế thôn bản phải đi 8-10km đường rừng để vận động bà con đưa trẻ đi tiêm phòng, nên số trẻ trong xã được tiêm luôn đạt mức cao.

“Mình là người Dao, mình làm việc này vì chính đồng bào của mình, vì sức khỏe con cháu trong làng, nên mình sẵn sàng huy động mọi cách để trẻ được tiêm phòng bệnh, mình kêu gọi cả chi hội phụ nữ... cùng vận động người dân đi tiêm”, anh Triệu Chòi Chìu chia sẻ.

Điểm tiêm tại Hội trường thôn Lùng Vùi là một trong hai điểm tiêm ngoại trạm của xã Thượng Sơn, mỗi lần tiêm cho khoảng 10 trẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên, toàn huyện có 62 điểm tiêm ngoại trạm, 26 điểm tiêm trạm cố định tại trạm y tế thôn, bản. Các điểm tiêm ngoại trạm nhằm phục vụ đồng bào ở xa trạm y tế, phải đi cả ngày đường rừng để đến điểm tiêm. Có ngày trời mưa, số lượng trẻ đến điểm tiêm rất ít, vì vậy, trạm y tế xã phải bố trí các điểm tiêm ngoại trạm, để chờ người dân đưa trẻ đến tiêm.

Đưa con đi tiêm phòng bằng được

Theo ông Nguyễn Đức Quế, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật, bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, do người dân địa phương chủ yếu làm ruộng, nên khi đưa con đi tiêm, thấy con bị sốt 1-2 ngày, quấy khóc, họ phải bỏ ruộng nên không cho con đi tiêm nữa. Tuy nhiên, hiện nay, các đội y tế thôn bản từng địa phương đã đến tận nhà tư vấn từ khi phụ nữ mang thai về việc tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm phòng cho con sau khi ra đời thì con mới khỏe.

Tại điểm tiêm ngoại trạm thôn Lùng Vùi, chị Cháng Thị Tệ, ở thôn Lùng Vùi có con hơn 1 tháng tuổi, cho biết, bé nhà chị chưa được tiêm mũi vaccine nào, nhưng gần đến lịch tiêm vừa rồi, có cán bộ đến tận nhà nói rằng, phải cho con tiêm, con mới khỏe nên chị đã đưa con tới trạm để tiêm mũi viêm gan B đầu tiên cho con mình.

Tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, đạt 94%. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Gia đình chị Triệu Thị Hà có con đầu 3 tháng tuổi cũng chia sẻ, hai vợ chồng phải bỏ ruộng ở nhà, để cùng đưa con đi tiêm. Chồng chị cho rằng, ruộng có thể làm sau được, nhưng tiêm cho con có ngày có tháng nên hai vợ chồng đã đèo nhau xuống trung tâm thôn Lùng Vùi để tiêm cho con.

Chị Thèn Thị Cúc, ở thôn Vằng Luông đưa con trai 5 tháng tuổi đến tiêm tại Trạm y tế xã Thượng Sơn kể, nhà chị đi mất gần 1 tiếng đồng hồ nhưng do đi quen nên chị thấy đường không xa mà do nhiều đá nên đường rất khó đi. Tuy nhiên, chị cảm thấy rất vui vì có đội y tế thôn bản gọi điện thoại để hẹn ngày chị đưa con đi tiêm. Con trai chị mới được tiêm một mũi 5 trong 1 và một mũi viêm gan B. Khi bé 3-4 tháng tuổi do hết vaccine nên giờ chị mới đưa con đi tiêm mũi thứ hai vaccine 5 trong 1.

Theo Phó trưởng Trạm y tế xã Thượng Sơn, toàn xã có 104 trẻ đang trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên, tỷ lệ tiêm chủng ở xã đạt 94%. Ở những xã vùng cao như Thượng Sơn, thậm chí có nhiều thôn chưa có điện lưới quốc gia, tỷ lệ này là rất cao.

Chính vì vậy, mà hình ảnh trạm y tế xã tiếp nhận liên tục các ca bệnh ho gà, bạch hầu đã không còn xuất hiện. Từ năm 1998 – 2018, xã chỉ ghi nhận 1 ca bệnh ho gà, từ đó đến nay không ghi nhận ca bệnh nào. Đặc biệt, là bệnh sởi, những năm gần đây, ghi nhận rất ít ca bệnh.

Mô hình bệnh tật hiện nay ở đây, chủ yếu là tiêu chảy, cúm, viêm phổi, quai bị. Tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất ở xã Thượng Sơn là vaccine uốn ván cho phụ nữ mang thai. Tỷ lệ này trước đây chỉ đạt 55%, vì phụ nữ người Dao, Tày quan niệm khi có thai thì không được tiêm, nếu tiêm sẽ dẫn tới khó sinh con sau này. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang dần được cải thiện và đang tăng lên khoảng 75%.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/bo-ruong-de-dua-con-di-tiem-phong/368191.vgp