Bộ quy tắc ứng xử của công chức Hà Nội: Có khả thi?

Sau nhiều sự việc không mấy đẹp đẽ mà công chức xứ Tràng An phô bày trước thiên hạ, như vụ cán bộ Sở Ngoại vụ đánh Tiến sỹ Đại học Bách khoa, trước đó dư luận đã ồn ào với phát ngôn 'chúng mày' và 'mày' của một vị là Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội với cánh nhà báo…, UBND TP Hà Nội chuẩn bị ban hành bộ quy tắc ứng xử.

Ảnh minh họa (internet)

Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội, do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở Văn hóa Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% số người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp.

Lướt qua vài con số và sự kiện để thấy rằng, tình trạng đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử của công chức Hà thành thực sự có vấn đề, chính vì là thủ đô, trung tâm đầu não của cả nước, hơn thế đây là địa danh ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ những gì tinh hoa nhất của đất nước và con người Việt Nam. Hàng ngày, Hà Nội đón tiếp hàng chục đoàn trong nước, nước ngoài đến thăm và làm việc, vậy nên hình ảnh cán bộ, công chức của thành phố này là đại diện trước hết cho hình ảnh quốc gia.

Chính vì thế, bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho cán bộ, công chức Hà Nội sắp sửa được ban bố như là giải pháp cứu vãn, vực dậy tình trạng “xuống cấp” nêu trên. Tuy nhiên trước hết cần phải thấy rằng; đây không phải lần đầu tiên những quy định kiểu này được ban bố, những nội dung trong quy định cũng chẳng có gì mới mẻ mà đã được thể hiện rất rõ trong Luật Cán bộ công chức (ban hành năm 2008); gồm có tiêu chuẩn về trình độ, bằng cấp, chứng chỉ, phẩm chất chính trị, đạo đức, cả những việc cán bộ, công chức được làm và không được làm…

Ngoài Luật Cán bộ công chức thì còn có nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, là Đảng viên thì được điều chỉnh bởi Điều lệ Đảng… Đã là cán bộ, công chức tức là bộ mặt của đất nước, không lịch sự, nhã nhặn với dân, tha hóa đạo đức thì kỷ luật, đuổi việc chứ không phải chỉ có chấn chỉnh.

Hiện nay, đã có một “rừng” những văn bản luật và dưới luật quy định về đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức, chỉ cần xem lại và thực hiện chứ không cần thiết phải ban bố thêm cho tốn kém, chồng chéo. Nếu ai đó đã vượt qua kỳ thi công chức thì nghiễm nhiên phải mặc định rằng họ đã hoàn toàn đạt đủ các tiêu chuẩn ấy!

Hơn nữa, bản quy định lần này cũng không có gì mới mẻ, nếu chỉ nêu ra những biểu hiện và những việc không được làm thì rất nhiều văn bản trước đây đã chỉ rõ. Cái cần thiết nhất ở đây là chế tài thực hiện như thế nào? Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý ra sao?

Bộ quy tắc ứng xử này chỉ trông chờ vào tính tự giác tố cáo nhau của cán bộ, công chức? Liệu rằng mong muốn này có dễ thành hiện thực? Ai cũng thừa biết tính cách người Việt vốn cả nể, ngại động chạm, đồng nghiệp cùng cơ quan đi phanh phui chuyện xấu của nhau xong rồi nguy cơ “nồi da xáo thịt” là không nhỏ, nhân viên có dám phê bình sếp mình về cách ăn mặc, đi lại, nói năng…? Thật không dễ thực hiện chút nào!

Và vẫn còn những nội dung cấm ít mang tính thực tiễn, ví dụ cấm xăm trổ, nhưng không nói rõ xăm như thế nào thì mới vi phạm, nếu người ta xăm một hình nghệ thuật bé xíu ở những vùng nhạy cảm thì sao? Hoặc son phấn lòe loẹt, nước hoa nặng mùi…, chẳng có cái gì làm chuẩn cho những thứ vốn nặng về cảm giác, người này bảo nặng mùi, lòe loẹt nhưng người kia lại nói là thơm, là đẹp thì sao!

Đặt tình huống bộ quy tắc này được ban hành thì cũng chẳng mang lại tác dụng như mong muốn. Thứ nhất, nếu đã là quy định phải có điều luật cụ thể để ai cũng có thể áp dụng, và cũng phải có chế tài xử phạt. Ví dụ, thế nào là nói tục, thế nào là tiếng lóng, những câu từ nào được coi là chuẩn mực.

Nếu đã định áp dụng thì phải ghi rõ trong điều lệ, ví dụ ai nói những từ sau đây sẽ bị phạt 100 nghìn đồng chẳng hạn. Thứ hai, nếu nghe thấy người bên cạnh nói bậy thì ai sẽ xử phạt, giám đốc hay trưởng phòng hay phó phòng? Thứ ba, lấy đâu bằng chứng để xử phạt khi lời nói gió bay? Chả lẽ lại phải tốn vài trăm tỉ để mua máy ghi âm đặt khắp nơi?

Văn bản pháp quy về đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức hiện nay đã có rất nhiều, nếu không muốn nói là đã chồng chéo. Việc cần làm là siết chặt, giám sát thực hiện, tăng cường kỷ luật chứ không phải ban hành thêm “văn bản con”, việc này vừa không có ý nghĩa lại vừa tốn kém lãng phí.

Trương Khắc Trà

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/bo-quy-tac-ung-xu-cua-cong-chuc-ha-noi-co-kha-thi-624011.bld