Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) – Nền tảng cho sự ổn định của khu vực

Ngày 26/10, tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các nước ASEAN đã chính thức khởi động vòng đọc văn kiện lần thứ ba dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Sự kiện này được đánh giá là một bước tiến mới, quan trọng trong tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được COC, góp phần mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực ở biển Đông. Để đạt được điều này, các bên đã phải trải qua một quá trình dài suốt hơn 10 năm qua.

BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG (COC) – NỀN TẢNG CHO SỰ ỔN ĐỊNH CỦA KHU VỰC

Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, diễn biến ở khu vực Biển Đông hết sức căng thẳng, đã xảy ra nhiều cuộc va chạm, đụng độ, thậm chí cả việc sử dụng vũ lực để thôn tính lãnh thổ... Trong bối cảnh đó, ý tưởng về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) - tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước có yêu sách - đã được các nước ASEAN đưa ra vào năm 1996.

Tháng 3/2002, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về dự thảo COC, nhưng không đạt được đồng thuận. Thay vào đó, các bên đã ký Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia tháng 11/2002.

Do nhiều nguyên nhân, phải tới năm 2013, ASEAN và Trung Quốc mới bắt đầu thảo luận về COC. Tiếp tục các nỗ lực, những năm qua, hàng loạt các cuộc đàm phán, tham vấn đã được xúc tiến, đặc biệt, trong năm 2023 này, đã ghi nhận nhiều tiến triển quan trọng.

Và ngày 26/10, một bước tiến mới trong đàm phán COC khi tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc và ASEAN đã chính thức khởi động vòng đọc văn kiện lần thứ ba dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Dù có những tiến triển, hiện dự thảo vẫn đang bị “mắc kẹt” vì một số điểm nghẽn, chủ yếu là do khác biệt giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực trong cách nhìn nhận về COC.

ĐÀM PHÁN COC NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN GIẢI QUYẾT

Tính pháp lý được cho là thách thức đầu tiên và lớn nhất mà các bên cần nỗ lực hơn nữa. Trong khi các nước ASEAN mong muốn COC có tính ràng buộc pháp lý, góp phần tích cực vào giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, thì Trung Quốc lại có quan điểm khác. Với Trung Quốc, COC chỉ có thể là một công cụ không mang tính ràng buộc về pháp lý, được sử dụng để cải thiện lòng tin khu vực hơn là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Thứ hai là phạm vi địa lý áp dụng: Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc năm 2002, ASEAN và Trung Quốc không thông qua được COC mà chỉ thông qua DOC. Dự kiến, đây tiếp tục là vấn đề cần bàn luận nhiều giữa ASEAN và Trung Quốc.

Thứ ba là vấn đề vai trò và giá trị của UNCLOS 1982 trong COC.

Tiếp đó, các bên chưa thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Đàm phán COC muốn có tiến triển tốt thì môi trường chính trị thuận lợi đóng vai trò quan trọng và là điều kiện tiên quyết, do đó đòi hỏi tất cả các nước có liên quan phải nêu cao tinh thần thiện chí, thực hiện kiềm chế, không có hành động đơn phương vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp theo Luật pháp quốc tế của các nước khác; đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác cùng có lợi, có trách nhiệm lớn hơn trong xử lý thách thức chung.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bo-quy-tac-ung-xu-bien-dong-coc-nen-tang-cho-su-on-dinh-cua-khu-vuc-195732.htm