Bỏ qua kỳ vọng của thị trường, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 'nhắm' đích 5%

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng 5% vào năm 2024. Các nhà lãnh đạo cam kết chuyển đổi mô hình tăng trưởng trước những thách thức đáng kể đối với sự phát triển của nước này.

Kinh tế Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 quanh 5%, tương đương năm 2023. (Nguồn: Bloomberg)

Con số này - tương tự như mục tiêu tăng trưởng của năm ngoái - đã được Thủ tướng Lý Cường công bố ngày 5/3, khi khai mạc cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC).

Thủ tướng Lý Cường nói: “Sự ổn định có tầm quan trọng tổng thể, vì nó là nền tảng cho mọi việc. Chúng ta phải thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động”.

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường niềm tin vào nền kinh tế, đồng thời phải vật lộn với lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn, áp lực giảm phát, dòng vốn nước ngoài rút lui, thị trường chứng khoán suy sụp và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.

Ông chuyển bản báo cáo đến một khán phòng chật kín các đại biểu bên trong Đại lễ đường Nhân dân rộng lớn. Các đại biểu đồng loạt vỗ tay theo nhịp điệu của ban nhạc quân đội khi lãnh đạo cấp cao bước vào phòng theo hàng do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đầu.

Mục tiêu đầy tham vọng...

Năm ngoái, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu khoảng 5% và đã đạt mức tăng trưởng 5,2%. Đây là mục tiêu thấp nhất được nước này công bố trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu tương tự trong năm 2024 có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giớ giặp nhiều khó khăn hơn.

Thủ tướng Lý Cường thừa nhận rằng, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái là 5,2% - thành tích này không hề dễ dàng.

"Trong khi đó, mục tiêu năm nay là tăng trưởng GDP khoảng 5%, tương đương với năm ngoái, không chỉ cao hơn kỳ vọng của thị trường mà còn cao hơn dự báo của nhiều ngân hàng lớn và tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ chậm hơn năm ngoái, chỉ 4,6%.

Khi thiết lập tốc độ tăng trưởng ở mức khoảng 5%, chúng tôi đã tính đến nhu cầu thúc đẩy việc làm và thu nhập cũng như ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro. Chính phủ sẽ ổn định và mở rộng tiêu dùng, đồng thời đặt mục tiêu tăng chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn bao gồm điện tử và phương tiện sử dụng năng lượng mới", Thủ tướng lý giải.

Chính phủ đặt mức thâm hụt ngân sách tài chính ở mức 3% GDP cho năm 2024. Con số này thấp hơn mức thâm hụt điều chỉnh là 3,8% vào năm 2023, nhưng vẫn bằng mục tiêu 3% được công bố ban đầu vào năm ngoái.

Các nhà phân tích cho biết, mục tiêu này có thể cho thấy sự thận trọng của Bắc Kinh đối với tính bền vững của nợ, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng đạt được sự cân bằng giữa ổn định tăng trưởng và kiểm soát nợ.

Người dân mua đồ tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng 1/2024. (Nguồn: Reuters)

Vào tháng 12, Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực", do rủi ro từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính.

Để tăng chi tiêu của chính phủ cho các dự án lớn, ông Lý Cường đã công bố kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu chính phủ trung ương đặc biệt dài hạn trong năm nay, đợt bán đầu tiên kể từ năm 2020.

Chính quyền địa phương cũng sẽ được phép phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 3,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ (542 tỷ USD), chủ yếu được sử dụng cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như khởi động một số chương trình khoa học và công nghệ lớn.

Việc nhấn mạnh vào khả năng tự lực về khoa học và công nghệ được đưa ra sau khi Mỹ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu các công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực AI - lĩnh vực mà Washington cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sức mạnh cho quân đội Bắc Kinh.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hạn chế các công ty Mỹ bán chip bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc và cấm đầu tư của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm bao gồm AI, điện toán lượng tử và chất bán dẫn.

... nhưng có thể đạt được

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc, ông Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank nhấn mạnh: “NPC không mang đến bất ngờ lớn nào cho các nhà đầu tư nhưng làm dấy lên nghi ngờ về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đầy tham vọng".

Đồng quan điểm, nhà kinh tế Tianchen Xu tại Đơn vị tình báo kinh tế ở Bắc Kinh chia sẻ với hãng tin Reuters rằng: “Mục tiêu tăng trưởng khá thách thức và hàm ý mức đầu tư công cao”.

Còn ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London (Anh) đã chỉ ra những rắc rối xung quanh thị trường bất động sản Trung Quốc sau những rắc rối pháp lý của Evergrande.

Ông khẳng định: “Sức cản từ sự suy giảm cơ cấu không thể tránh khỏi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu. Bên cạnh đó, nhu cầu yếu trong lĩnh vực xây dựng sẽ làm giảm thêm một điểm phần trăm nữa khỏi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới so với phần còn lại của thế giới”.

Giới phân tích cũng đưa ra dự báo, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ hạ tham vọng tăng trưởng trong tương lai, khi họ cần mạnh tay hơn trong giải quyết các vấn đề cấu trúc tồn tại từ lâu.

Nhiều chuyên gia lo ngại niềm tin tiêu dùng và đầu tư tại đây đang ở mức thấp kỷ lục. Họ cho rằng Trung Quốc cần kích thích cầu tiêu dùng của các hộ gia đình hơn nữa.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Lưu Xuân Sinh tại Học viện Kinh tế và Thương mại quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương cho rằng, việc đặt GDP ở mức 5% trong năm nay là một quyết định hợp lý dựa trên tình hình kinh tế của Trung Quốc. Điều này không chỉ đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất định mà còn phải tính đến chất lượng phát triển kinh tế.

Ông Lưu Xuân Sinh khẳng định: "Ngoài ra, tăng trưởng ổn định có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cần thiết cho sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội".

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group cho biết, mục tiêu khoảng 5% là đầy tham vọng nhưng có thể đạt được. "Mục tiêu tăng trưởng kinh tế này đòi hỏi các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ hơn năm ngoái, từ đó, có thể cải thiện triển vọng tăng trưởng của các hộ gia đình và doanh nghiệp", ông nói.

(theo CNN, Reuters, China Daily)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-qua-ky-vong-cua-thi-truong-tang-truong-kinh-te-trung-quoc-nham-dich-5-263228.html