Bộ phận nào quan trọng nhất trên xe?

Có lẽ với tôi, 'lựa chọn cuối cùng trên ghế nóng' là: Cái phanh.

Xe có thể bất ngờ chết máy cũng không sao, miễn phanh còn hoạt động. Chứ phanh mà đứt thì họa đến ngay. Hầu hết các tai nạn xe hơi đều liên quan trực tiếp nhất đến chuyện cái phanh: đứt phanh, mất phanh, đạp nhầm chân phanh thành chân ga, phanh không kịp... Nếu phanh kịp thời, đúng lúc và hệ thống phanh trên xe hoạt động tốt thì sẽ chẳng có tai nạn nào xảy ra cả.

Điều ấy cũng có nghĩa rằng tốc độ là quan trọng nhưng biết chậm lại hoặc dừng lại đúng lúc còn quan trọng hơn. Sống trên đời cũng thế. Biết tiết chế, biết dừng ở việc này, biết nói không với mối quan hệ kia… cần những cái phanh.

Phanh là bộ phận quan trọng bậc nhất trên ô tô

Nhưng quan trọng hơn khi đã có phanh, là chúng ta dùng nó thế nào cho hiệu quả.

Có hai chữ thôi – hiệu quả, nhưng nói thật, 20 năm sau tay lái với tôi, cũng như một phần tư thế kỷ trên cỗ xe hôn nhân, là cả… một trời phức tạp học mãi cũng thấy chưa đủ. Vấn đề là: đạp (phanh) lúc nào? đạp thế nào? và có phải lúc nào xử lý phanh cũng là đạp không?

Tôi nhớ hồi đầu mới tham gia một khóa nâng cao kỹ năng lái xe, trước khi thực hành, chuyên gia đố các học viên (đều là những người đã và đang lái xe hàng ngày) xem nếu xe đang đi ở tốc độ 60-70-80km/h (là tốc độ phổ biến trên đường ở Việt Nam) mà đạp hết phanh thì xe sẽ “lết” thêm bao nhiêu mét nữa trước khi dừng hẳn? Hầu hết đoán sai vì đa số không hình dung ra chiếc xe cần một quãng đường dài đến thế và khác nhau đến thế (khác nhau tùy thuộc dòng xe, loại xe, tải trọng xe, tốc độ trước khi phanh, mặt đường…) trước khi có thể đứng lại!

Cũng ở khóa học nói trên, lại có tình huống gặp chướng ngại vật mà không được phanh – vì trong tình huống khẩn cấp, chướng ngại vật xuất hiện trong khoảng cách quá gần, phanh cũng chả kịp chưa kể có thể lật xe, thì làm thế nào?

Tốc độ liên quan đến quãng đường phanh

Hay ở một cuộc thi lái xe tiết kiệm nhiên liệu, thì bạn biết không, người về nhất chính là người biết cách ít sử dụng đến chân phanh nhiều nhất, nhờ vào “nghệ thuật” quan sát và phán đoán tình huống từ xa, là kinh nghiệm “giữ trớn”, là thái độ lái xe điềm tĩnh không đi đâu mà vội…

Chưa kể, ngồi trong xe với người lái giỏi này sẽ thấy rất êm ái, người hay ói nhất cũng không có cơ hội. Còn không may ngồi chung xe với anh/chị nào bạ cái là đạp, thì mệt lắm, cứ gọi là dúi dụi suốt. Phanh suốt thế mà cũng chả chắc đã an toàn, nhất là ở đường Việt Nam, kiểu đạp phanh gấp rất dễ dính “chưởng” xe phía sau.

Chuyện phanh tốt mà gặp nạn lại liên quan tới một công nghệ “hot” trên các dòng xe đời mới hiện nay – gọi là Phanh tự động khẩn cấp. Trang bị thêm công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn này là bởi các nhà sản xuất nghĩ rằng nó sẽ can thiệp trong tình huống khẩn có thể xảy ra va chạm mà người lái xe mất tập trung, lơ đãng “quên” đạp phanh. Một dạng phanh người máy của thời đại AI.

Nhiều tai nạn liên quan đến vấn đề phanh

Cái này trên đường thử thì rất hay, phanh thông minh hoạt động cực kỳ chính xác vì nó không mải nghe điện thoại hay nhắn tin, cũng không ngó nghiêng khi đang đang lái xe. Nhưng trong phố đông nhà ta, nơi xe máy, xe đạp và cả người đi bộ có thể lao ra, cắt mũi xe bạn từ mọi hướng, mọi làn và các xe nối nhau không có khoảng trống, chả giống bất cứ nơi nào trên trái đất, thì cái phanh người máy hoạt động theo chuẩn quốc tế này khiến mình hết sức… đau tim và có nguy cơ “đau mông” nữa (vì bị xe phía sau vì đột ngột mà tông vào).

Chuyện cái phanh dài thế mà thật ra là chưa hết đâu, để dành lần sau kể nốt. Giờ cài phanh, tắt máy để ăn cái, rồi còn xem phim, lúc này chuyện ấy quan trọng hơn...

Thủy Phạm

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/bai-viet/bo-phan-nao-quan-trong-nhat-tren-xe-13081.htm