Bộ Nông nghiệp tiếp tục truy xuất nguồn gốc chất tạo nạc

(Zing) - Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn vừa yêu cầu các ban ngành liên quan tích cực siết chặt quản lý, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc về việc sử dụng chất cấm Beta agonist trong chăn nuôi.

>> Thịt lợn, cá nhiễm chất cấm, người dân hoang mang

>> Gần 30% thịt heo bày bán ở Việt Nam nhiễm chất độc

>> Kinh hoàng heo siêu nạc nhờ 'thần dược'

Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm đề xuất sửa đổi Thông tư số 54/2010 về quy định kiểm tra sử dụng chất cấm nhóm Beta agonist (chất tạo nạc cho lợn) trong chăn nuôi. Các đơn vị tích cực tập trung kiểm soát tình hình sử dụng chất cấm nhóm Beta agonist, bao gồm cả thuốc thú y có chứa Beta agonist. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị đặc biệt lưu ý việc sử dụng kết quả kiểm tra, xét nghiệm để truy xuất nguồn gốc tìm ra cá nhân, tổ chức sử dụng chất cấm Beta agonist, tìm ra tổ chức cá nhân nhập khẩu chất này vào Việt Nam và xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp.

Thông tin chất tạo nạc có thể gây chết người có trong thịt lợn khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại

Trong tháng 3/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy mẫu phân tích, truy xuất lại nguồn gốc các mẫu vi phạm để tìm ra và xử lý một số cơ sở kinh doanh, sử dụng chất cấm. Theo Bộ Nông nghiệp, sự vào cuộc của truyền thông và các ban ngành liên quan đã giúp giảm đáng kể việc sử dụng chất cấm so với trước đây. Tuy nhiên, qua các con số báo cáo cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn nghiêm trọng, do đó các đơn vị phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm này.

Trước đó, ngày 5/4, kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất tạo nạc Beta agonist (chiếm 7,8%), 8/199 mẫu thịt, gan lợn dương tính (chiếm 6,7%) và 7/58 mẫu nước tiểu có Beta agonist (chiếm 12,1%).

Lợn có chất tạo nạc có thể phân biệt được với lợn nuôi thường

Về những thông tin của người tiêu dùng về việc khó phân biệt thịt lợn có chất tạo nạc có thể gây chết người, theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), lợn sống có chất tạo nạc thì da mỏng bóng, căng mọng (như bị ứ nước bên trong), có thể có các đốm xuất huyết, đi đứng chậm chạp, các khu vực vai, mông, lưng, đùi có cơ ụ cao.

Còn nếu quan sát lát cắt của thịt thì da rất mỏng, lớp mỡ dưới da chỉ dưới 0,4cm (bình thường là 1 - 1,5cm), ấn tay vào có cảm giác căng cứng, mặt cắt thịt thường ướt, mùi thịt không thơm tự nhiên. Trong khi thịt lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều, khi nấu lên có mùi thơm hấp dẫn.

Đ.S

Theo Infonet

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/xa-hoi/bo-nong-nghiep-tiep-tuc-truy-xuat-nguon-goc-chat-tao-nac/a245666.html