Bỏ ngỏ thị trường thu nhập trung bình

Trên địa bàn TP.Vinh, đa phần người tiêu dùng biết và ủng hộ hàng Việt, nhưng vẫn phân vân khi quyết định mua. Vì sao?

Trên địa bàn TP.Vinh, đa phần người tiêu dùng biết và ủng hộ hàng Việt, nhưng vẫn phân vân khi quyết định mua. Vì sao?

CôngThương - Nhiều hãng thời trang của Việt Nam có những sản phẩm đẹp, chất liệu khá tốt, nhưng những sản phẩm như thế chỉ dành cho phân khúc thị trường tiêu dùng của những người có thu nhập khá trở lên.

Trong khoảng 10 năm qua, những thương hiệu thời trang công sở như: NEM, Eva de Eva, Yoshino… nhận được sự tin tưởng cũng như định vị được thương hiệu của mình trong lòng khách hàng nhờ ưu điểm về chất liệu, mẫu mã thiết kế được chú trọng đến từng chi tiết theo đường may nét cắt, trau chuốt tỉ mỉ, họa tiết đơn giản nhưng lại thể hiện được nét thanh lịch, pha trộn khéo léo, không quá cầu kỳ và hợp với khí hậu từng mùa. Nhìn vào, nhiều người sẽ rất yêu hàng Việt, muốn được sở hữu những sản phẩm đó, nhưng khi phải rút hầu bao chi trả thì những người có thu nhập trung bình sẽ phải cân nhắc và không ít trong số đó quyết định không mua hoặc chờ đến thời điểm sale off (hạ giá). Bởi các sản phẩm của những thương hiệu này có giá không dưới 1 triệu đồng/sản phẩm, thậm chí 3- 4 triệu đồng/sản phẩm. Phần đông khách hàng chuyển hướng tìm những sản phẩm Việt giá bình dân hơn. Nhưng họ rất khó vừa ý khi lựa chọn những sản phẩm may sẵn được sản xuất trong nước, có giá vừa phải vì thường mẫu mã chưa bắt mắt, thiết kế na ná giống nhau, chưa có sự phá cách độc đáo, mặc dù chất liệu khá ổn.

Tại siêu thị Intimex Vinh (Nghệ An) có một gian hàng trưng bày các sản phẩm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhưng rất thưa thớt khách. Từ thực tế đó, có thể khẳng định rằng, phần nhiều người tiêu dùng vẫn “đói” hàng Việt Nam bình dân. Họ mong muốn có nhiều sự lựa chọn hơn đối với những sản phẩm may mặc sẵn trong nước có mẫu mã, kiểu dáng đẹp, giá phải chăng.

Bởi vậy, đa số người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình chọn giải pháp đến thợ may hoặc mua hàng Trung Quốc. Với những sản phẩm đó, nhu cầu của họ phần nào được thỏa mãn.

Trên thị trường hiện có không nhiều những thương hiệu dệt may Việt Nam giá bình dân như Ninomaxx, PT 2000, Blue Exchange, Maxx Style… Hầu hết trong số đó đều dành cho giới trẻ, thời trang công sở rất ít. Người tiêu dùng cần lắm những mô hình sản xuất, kinh doanh như: Công ty May Nhà Bè, Việt Tiến, Phương Đông, May 10… có những thương hiệu từ bình dân đến cao cấp phục vụ cho nhiều phân đoạn thị trường. Ví dụ, áo sơ mi nam thương hiệu cao cấp San Sciaro, Manhattan của Công ty CP May Việt Tiến có giá từ 750.000- 1.250.000 đ/cái thường dành cho giới doanh nhân, nhân viên văn phòng có thu nhập cao; trong khi đó, áo sơ mi hiệu Viettien Smart Casual với kiểu dáng không hề đơn điệu, chất liệu chấp nhận được, có giá rất “mềm” 220.000- 370.000 đ/cái, dành cho người có thu nhập trung bình. Đáng buồn, các công ty này đều tập trung vào thời trang nam giới và quần áo thể thao, thời trang dành cho nữ giới còn khiêm tốn.

Thiết nghĩ, bên cạnh phát triển những nhãn hiệu thời trang cao cấp, các nhà sản xuất trong ngành thời trang Việt cần chú trọng đầu tư vào phân khúc thị trường có thu nhập trung bình, bởi đây là thị trường chiếm phần lớn trong “miếng bánh tiêu dùng” của toàn xã hội.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c225n20866/bo-ngo-thi-truong-thu-nhap-trung-binh.htm