Bỏ nghề MC đám cưới, khởi nghiệp nuôi cua đinh trên sông Sê San, lãi ròng 200 triệu mỗi năm

Với sự quyết tâm cao, chị Lưu Thị Mỹ Ngọc, hội viên phụ nữ làng Dăng, xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cua đinh trên sông Sê San.

Nhờ nuôi cua đinh, vợ chồng chị Lưu Thị Mỹ Ngọc đã vực dậy kinh tế gia đình

Về Làng Dăng, xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hỏi thăm "chị Ngọc cua đinh" ai cũng biết. Vợ chồng chị là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương nhờ mạnh dạn khởi nghiệp nuôi cua đinh. PNVN đã có cuộc trò chuyện với chị Mỹ Ngọc xung quanh câu chuyện khởi nghiệp của mình.

PV: Cơ duyên nào đưa chị đến với ý tưởng khởi nghiệp nuôi cua đinh?

Chị Lưu Thị Mỹ Ngọc: Trước đây, thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu từ nghề đánh bắt cá trên sông Sê San của chồng. Bản thân tôi nhiều năm gắn bó với nghề dẫn chương trình cho các tiệc cưới trong và ngoài huyện. Các đây 6 năm, trong một lần đánh bắt cá trên sông Sê San, chồng tôi tình cờ bắt được 01 cặp cua đinh bố mẹ và mang về nuôi. Trong quá trình nuôi thử cặp cua đinh, chúng tôi nhận thấy loài này rất dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, ít bệnh tật, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương và có giá trị kinh tế cao. Từ đó, vợ chồng tôi cùng bàn bạc ý tưởng làm kinh tế bằng cách nuôi cua đinh.

Vợ chồng tâm đầu ý hợp, tôi quyết định bỏ nghề MC đám cưới khởi nghiệp nuôi cua đinh. Để học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, vợ chồng tôi lên mạng tìm tòi, tham khảo kỹ thuật chăn nuôi cua đinh để áp dụng. Lứa đầu tiên, chúng tôi "khởi nghiệp" trên diễn tích 100m2 với 100 con cua giống được mua từ tỉnh Hậu Giang.

Mô hình nuôi cua đinh của chị Lưu Thị Mỹ Ngọc

PV: Là người tiên phong nuôi cua đinh ở địa phương, chắc chắn, thời gian đầu khởi nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, chị đã vượt qua thử thách này và vực dậy kinh tế gia đình ra sao?

Chị Lưu Thị Mỹ Ngọc: Thời gian đầu khởi nghiệp, vợ chồng tôi gặp một số khó khăn nhất định do chưa rành về kỹ thuật và đảm bảo các điều kiện về nguồn nước, thức ăn cho cua. Bởi vậy, một số con giống bị chết, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình. Cũng có buồn, có nản một chút nhưng vợ chồng động viên nhau, rút kinh nghiệm từ thất bại, kiên trì nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, theo dõi và ghi nhớ đặc tính sinh trưởng, tập tính của loài cua đinh một cách tỉ mỉ. Bên cạnh đó, chúng tôi đi tham quan thực tế để học hỏi từ các mô hình nuôi cua đinh ở địa phương khác để tích lũy kinh nghiệm.

Trải qua những khó khăn của 3 năm ban đầu, 3 năm trở lại đây, mô hình nuôi cua đinh của vợ chồng tôi mới bắt đầu cho thu nhập ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã phát triển số lượng cua đinh lên gần 500 con, trong đó 50 con cua sinh sản có trọng lượng từ 10-15kg/con, 200 con cua lứa có trọng lượng từ 1-1,5kg/con và 200 con cua giống (1 tháng tuổi) có kích thước từ 5-7cm/con.

Chị Puih Pyưnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Ia O - nhận xét: "Chị Lưu Thị Mỹ Ngọc không chỉ năng nổ, nhiệt tình tham gia phong trào phụ nữ và công tác Hội tại địa phương mà còn là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi được các ban ngành, đoàn thể địa phương ghi nhận và tuyên dương".

Hơn 6 năm nuôi cua đinh, tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm bổ ích. Ngoài việc cung cấp đầy đủ thức ăn để chúng phát triển tốt (chủ yếu các loại cá tươi xắt nhỏ, cám công nghiệp) thì việc đầu tư chuồng trại cũng vô cùng quan trọng. Phải đặc biệt chú ý việc điều chỉnh mực nước theo mùa, thay nước ao nuôi 10 ngày/lần, sát trùng ao nuôi 3 lần/tháng bằng vôi, trộn một số thuốc phòng ngừa bệnh ngoài da vào thức ăn 01 lần/tuần. Nếu chúng ta áp dụng đúng kỹ thuật trên sẽ giúp cua đinh tăng trưởng tốt, ít bị nhiễm bệnh".

Thông thường, từ năm thứ 4, cua đinh bắt đầu sinh sản. Để cua đinh đẻ trứng và ấp nở con thành công, tôi đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm tại rất nhiều nơi. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của người đi trước mà tôi biết cách phân biệt con đực và con cái, cách bố trí, xây dựng chuồng trại cho cua đinh sinh sản. Cua đinh thường đẻ trứng từ tháng 12 đến tháng 7 (âm lịch) hằng năm và mỗi con có thể đẻ từ 9-17 trứng/lần. Thời gian ấp trứng khoảng 3 tháng (tỷ lệ nở đạt 95%). Đối với cua thương phẩm, thời gian nuôi từ 2-3 năm có thể bán với giá giao động từ 500 - 550.000 đồng/kg; còn cua con giống (02 tháng tuổi) bán với giá 450.000 đồng/con.

Tính riêng trong năm 2022, với số lượng cua đinh thương phẩm và con giống xuất bán ra thị trường, gia đình tôi thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Nhờ nuôi cua định, gia đình tôi có công việc và nguồn thu nhập ổn định. Nhờ khởi nghiệp nuôi cua đinh thành công, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện, ngày càng khấm khá, có điều kiện đầu tư cho hai con học hành.

Từ những cặp cua đinh nuôi thử nghiệm, đến nay, trang trại nuôi cua đinh của chị Lưu Thị Mỹ Ngọc đã phát triển lên gần 500 con

PV: Từ những thành công ban đầu, chị có dự tính gì trong tương lai?

Chị Lưu Thị Mỹ Ngọc: Nhờ những thành công ban đầu mà mô hình nuôi cua đinh của gia đình tôi được nhiều người trong tỉnh biết đến và liên hệ đặt mua với số lượng lớn. Nhận thấy, mô hình đang có tiềm năng phát triển nên trong thời gian tới, gia đình chị tiếp tục vay vốn, mở rộng chuồng trại, nâng số lượng cua đinh lên gấp 3-4 lần số con hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu đặt mua của người dân. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cua đinh theo quy định của pháp luật.

Với mong muốn giúp đỡ chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng, tôi sẵn sàng hướng dẫn hội viên, phụ nữ và người dân trong xã kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc con giống nếu có nhu cầu chuyển đổi vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Tôi mong muốn và hy vọng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng, mở ra hướng đi mới, góp phần cải thiện đời sống cho hội viên, phụ nữ và người dân tại địa phương.

PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhật An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bo-nghe-mc-dam-cuoi-khoi-nghiep-nuoi-cua-dinh-tren-song-se-san-lai-rong-200-trieu-moi-nam-20231006091704058.htm