Bộ máy quản lý dường như bị 'nghiện quản lý', sợ cạnh tranh

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong tư duy quản lý của nhiều bộ, ngành vẫn sợ cạnh tranh, lo cạnh tranh nhiều quá. Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ quan Nhà nước dường như bị bệnh 'nghiện quản lý'.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: TN

Sáng 3/10, CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia”.

Đằng sau “giấy phép con” là phải “biết điều”

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cạnh tranh là linh hồn, nền tảng của nền kinh tế thị trường, không có cạnh tranh thì không có nền kinh tế thị trường. Mức độ cạnh tranh càng lớn, cạnh tranh càng công bằng thì thể hiện mức độ phát triển thị trường càng cao.

“Đừng sợ cạnh tranh, đừng lo lắng quá nhiều cạnh tranh”, ông Cung trấn an và nhấn mạnh, nền kinh tế nhờ cạnh tranh sẽ đạt được loạt hiệu quả từ người cấp vốn, người sản xuất đến người lao động… từ đó, năng suất lao động được cải thiện.

Vậy chính sách cạnh tranh như thế nào? Viện trưởng CIEM cho rằng, đầu tiên phải kể đến Luật Cạnh tranh và thực thi Luật này để bảo đảm cạnh tranh công bằng.

“Chúng ta phải kiểm soát được hành vi độc quyền, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp”, ông Cung lưu ý.

Cùng với đó, phải điều chỉnh luật pháp, chính sách để quy mô, cường độ của cạnh tranh được tăng lên. Để làm được điều này phải loại bỏ rào cản, điều kiện kinh doanh bất hợp lý; xóa bỏ những phân biệt đối xử…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định, đằng sau nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh có bóng dáng lợi ích, bởi cấp phép là xin cho, muốn xin cho thì người xin phải “biết điều”. Và đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao.

Qua rà soát, có một số dạng điều kiện kinh doanh điển hình đang gây khó khăn cho doanh nghiệp như điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, áp đặt, phân biệt về quy mô, can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính.

“Điểm danh” như quy định đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các TP trực thuộc Trung ương; thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000m3; hay yêu cầu điều kiện về nghiệp vụ chuyên môn của các nhân viên phục vụ trên phương tiện ô tô, tàu thủy nội địa…

“To thì dễ bị chú ý, làm ăn bài bản thì thiệt thòi”

Cũng theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, quản lý Nhà nước không hề rẻ, thậm chí rất “đắt đỏ”. Và các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam dường như bị bệnh “nghiện quản lý”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ảnh: TN

“Khi phải đối mặt với gánh nặng quá lớn về quy định thủ tục hành chính, điều kiện khắt khe, người kinh doanh ít động lực để ra hoạt động chính thức, nhiều doanh nghiệp tại các nước đang phát triển lựa chọn chuyển sang hoạt động trong nền kinh tế ngầm”, ông Tuấn nói.

Đáng nói, “nền kinh tế ngầm” sẽ nuôi dưỡng ý thức “nhờn” luật, coi thường kỷ cương phép nước; tạo ra dư địa lớn cho công chức Nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân.

Trưởng ban Pháp chế VCCI phân tích, nếu quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe, nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh. Còn không tuân thủ thì nguy cơ bị coi là vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như con tin của công chức “nhiều quyền, thiếu tâm”. Rồi “hàng rừng các quy định” khiến doan nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro.

“To thì dễ bị chú ý, làm ăn bài bản thì thiệt thòi sẽ tạo ra tâm lý phổ biến nằm lòng của nhà kinh doanh là “khôn dựng trại, dại dựng nhà”.

Thực tế “chối bỏ thành công” này đang hình thành văn hóa “kinh doanh nhì nhằng” và động lực chuyển các hoạt động kinh doanh về dưới dạng không chính thức”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ những thiệt hại lo lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, phải có hành động thực chất, quyết liệt hơn. Theo đó, cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành cơ quan nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc sinh thêm giấy phép mới.

Cơ quan cạnh tranh “nằm” trong Bộ cũng phải độc lập

Còn để bảo đảm cạnh tranh công bằng, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Luật Cạnh tranh phải tốt, hành vi phản cạnh tranh phải được xử lý kịp thời.

Toàn cảnh diễn đàn "Chính sách cạnh tranh quốc gia". Ảnh: TN

Dự thảo Luật Cạnh tranh quy định, cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác…

Theo ông Hiếu, dự thảo Luật Cạnh tranh mới có cách tiếp cận mới, nhìn vào bản chất và tác động thực tế đến cạnh tranh của các hành vi của doanh nghiệp. Điều này, đòi hỏi năng lực và vị trí phù hợp của cơ quan cạnh tranh để thực hiện điều tra, ra quyết định đúng đắn.

“Phải là cơ quan độc lập trong mọi trường hợp, kể cả khi “nằm” trong Bộ”, ông Hiếu nhấn mạnh và cho biết, một số nước trên thế giới quy định cơ quan cạnh tranh “thuộc” Bộ nhưng có điều khoản rõ ràng cấm Bộ can thiệp vào hoạt động của cơ quan này.

Phó Viện trưởng CIEM nhận thấy gần như “vắng bóng” vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật.

“Cần phải bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ này cho cơ quan cạnh tranh để bảo đảm kiểm soát được quy định cản trở cạnh tranh hoặc làm méo mó cạnh tranh”, ông Hiếu đề xuất.

TS Nguyễn Đình Cung bình luận thêm, quy định về cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật còn yếu, không chịu đổi mới. “Cơ quan cạnh tranh quốc gia mà không đủ tầm thì các điều luật khác dù hay đến mấy cũng bị hạn chế”, ông Cung lưu ý.

Trong 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh, tính đến năm 2016, số vụ việc điều tra liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh là 8 vụ, trong đó có 6 vụ đã được Hội đồng Cạnh tranh tiến hành xử lý, thu về ngân sách Nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý gần 5,5 tỷ đồng.

Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó quảng cáo chiếm 62%, bán hàng đa cấp bất chính chiếm 17%. Đến hết năm 2016, đã có hơn 330 hồ sơ khiếu kiện, trong đó có 182 vụ đã được điều tra, xử lý.

Về kiểm soát hành vi tập trung kinh tế, Bộ Công thương thụ lý 32 vụ, tham vấn 45 vụ, với 189 doanh nghiệp có liên quan.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/bo-may-quan-ly-duong-nhu-bi-nghien-quan-ly-so-canh-tranh_t114c1067n125141