Bộ mặt Hà Nội sẽ ra sao khi phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn?

Ở Việt Nam, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn (TOD) có thể là mới nhưng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh...

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Hà Nội đang tốn rất nhiều nguồn lực để mở một con đường. Đường Vành đai 1, Vành đai 2 trong vòng 25 năm qua vẫn chưa thể hình thành được. Vậy việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn (TOD) mà dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang hướng tới có phải là một giải pháp khả thi? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam; ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; TS.Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty luật Vietthink về vấn đề này.

TOD không phải là mới với các quốc gia phát triển

PV: Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn (TOD) được đề xuất sử dụng là một cơ chế hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai. Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, lợi ích lớn nhất mà mô hình TOD mang lại là gì?

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội: Ở Việt Nam, mô hình TOD có thể là mới nhưng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh… Bản chất mô hình TOD được hiểu là lấy giao thông làm đích hướng. Theo đánh giá của chúng tôi, trong 30 năm qua, giao thông của nước ta lại bị định hướng.

Điều chúng ta thấy rõ là khi mở rộng một con đường, mở một tuyến đường sắt đô thị luôn phải “len lỏi” trong các khu đô thị đã được hình thành và như Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ví von giống như chúng ta “vãi một đám sỏi chứ không phải quy hoạch”. Chúng ta tốn rất nhiều nguồn lực để mở một con đường. Đường Vành đai 1, Vành đai 2 trong vòng 25 năm qua vẫn chưa thể hình thành được. Trong khi chi phí giải phóng mặt bằng vô cùng lớn, Nhà nước không thu lại được lợi ích khi mở đường mà chỉ đạt được mục đích đó là “có con đường”.Các hộ dân đang ở trong ngõ ngách được chuyển ra mặt đường thì họ được hưởng lợi ích từ việc mở đường.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Khi giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn, và Hà Nội nhận thức được điều đó. Do vậy, khi sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội kiên quyết đưa vào nội dung TOD, đặc biệt dành cho đường sắt đô thị. Đây được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn.

Triển khai tốt cơ chế TOD gắn với tái thiết đô thị sẽ mang lại lợi ích rất lớn

PV: Vậy còn TS.Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, ông đánh giá ra sao về lợi ích TOD mang lại?

TS.Lê Duy Bình: Ngoài những lợi ích ông Lê Trung Hiếu đã nêu, theo tôi nếu triển khai tốt cơ chế TOD gắn với tái thiết đô thị sẽ mang lại lợi ích rất lớn, đặc biệt là khu đô thị có không gian nén rất lớn nhưng lại không có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ.

Về mặt kinh tế, khi sử dụng đúng cơ chế TOD và khai thác được các nguồn lực, chúng ta sẽ bớt nguồn lực vay vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, tổ chức tín dụng tài chính quốc tế. Từ đó giúp cho chúng ta tự chủ về tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến dư nợ về nợ công của Thủ đô và trần dư nợ công của cả nước. Khi đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước có thể tạo ra một dư địa mới để phát triển Thủ đô như về lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa…

TS.Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam

Khi tự chủ được về tài chính, chắc chắn chúng ta sẽ tự chủ được về công nghệ.Đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ cho đường sắt đô thị.

PV: Qua chia sẻ của các chuyên gia, chúng ta đã khá rõ về những lợi ích của TOD. Tuy nhiên, cơ chế để sử dụng nguồn lực này ra sao, thưa ông Lê Trung Hiếu?

Ông Lê Trung Hiếu: Thiết kế của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có quy định về việc Nhà nước quản lý bằng cơ chế và quy hoạch (khoản 4, khoản 5 Điều 20). Đó là cơ chế thứ nhất. TOD là giá trị nén, để gia tăng giá trị sử dụng đất thì cần có những tiêu chuẩn khác và tùy từng khu vực.

Cơ chế thứ hai đó là cơ chế khai thác giá trị từ đất bao gồm: trên mặt bằng (Nhà nước bỏ tiền đầu tư công tức là người dân trong khu vực đó được hưởng quyền lợi như nhau); công trình ngầm. Theo tôi, chúng ta chưa khai thác được giá trị công trình không gian ngầm, hiện nay mới chỉ quy hoạch các phân khu trong thành phố Hà Nội để sử dụng không gian ngầm. Quy định về sử dụng không gian ngầm được đưa vào khá rõ trong dự thảo Luật Thủ đô (Điều 21).

“Sau này không chỉ có đường sắt đô thị là đi ngầm mà các công trình giao thông trong nội đô cũng có thể đi ngầm, như thế sẽ tiếp tục gia tăng giá trị thặng dư về sử dụng đất. Đặc biệt, sẽ giúp chúng ta bảo vệ cảnh quan, nhất là trong 4 quận nội đô lịch sử. Như vậy chúng ta đạt được rất nhiều mục tiêu kép, vừa thu được nguồn lực, vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa tạo ra giá trị thặng dư, vừa bảo vệ cảnh quan”

Sau này không chỉ có đường sắt đô thị là đi ngầm mà các công trình giao thông trong nội đô cũng có thể đi ngầm

Ưu tiên hàng đầu phải là làm tốt quy hoạch

PV: Rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án TOD trước đây, theo TS.Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty luật Vietthink, trong việc phát triển TOD tới đây, chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề gì?

TS. Lê Đình Vinh: Giải pháp quan trọng trong thu hút nguồn lực của Thủ đô thì ưu tiên hàng đầu đó là quy hoạch. Quy hoạch là linh hồn của một đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị đó văn minh, hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển, tạo tiền đề thu hút nguồn lực phát triển. Nếu quy hoạch không tốt sẽ khó tạo ra giá trị thặng dư, kìm hãm sự phát triển trong tương lai

Câu chuyện đường sắt đô thị của Hà Nội vừa qua là câu chuyện của vấn đề quy hoạch. Chúng ta đã làm hai tuyến đường sắt đô thị nhưng không gắn chặt với quy hoạch, chỉnh chang, tái thiết đô thị mà chỉ mới giải quyết nhu cầu trước mắt là vấn đề đi lại nên chưa đạt hiệu quả. Dẫn tới nhiều tuyến đường thiếu kết nối, mà TOD là phải kết nối.

TS.Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty luật Vietthink

Trong việc phát triển TOD tới đây, cần lưu ý tới vấn đề quy hoạch. Trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi chưa đề cập sâu tới quy hoạch vì chúng ta đã có Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Luật Thủ đô sửa đổi lần này hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như: yêu cầu của dự án TOD là phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần, quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này.

PV: Trân trọng cảm ơn ý kiến tâm huyết của các Chuyên gia!

Nhóm Phóng viên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-mat-ha-noi-se-ra-sao-khi-phat-trien-do-thi-theo-dinh-huong-giao-thong-cong-cong-khoi-luong-lon-post494790.html