Bộ luật Gia Long và hình phạt 'lăng trì'

Bạn Nguyễn Văn Thảnh (đường Bình Thới, quận 11, TP.HCM) hỏi: Trong số Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 4-2010, anh Phó cho rằng bản dịch Bộ luật Gia Long tức Hoàng Việt luật lệ (NXB Văn hóa-Thông tin, 1994) có nhiều điểm dịch không chính xác.

Cụ thể trong Bộ Hoàng Việt luật lệ có quy định hình phạt “lăng trì” mà bản dịch này ghi “đã vĩnh viễn bỏ”. Đề nghị anh Phó nói cụ thể “lăng trì” là hình phạt như thế nào. Trong Bộ luật Gia Long có tội nào bị xử lăng trì?

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Nguyễn Văn Thảnh,

Hình phạt “tử hình” thời xưa được chia ra năm bậc tùy theo mức độ phạm tội. Hai bậc tử hình thường là trảm và giảo. “Trảm” là chém đầu. “Giảo” là giết chết nhưng được giữ toàn thân xác (như thắt cổ). Ngoài ra còn ba bậc tử hình thêm (gọi là “nhuận tử”) mang tính chất nghiêm khắc hơn. Đó là trảm kiêu (chém bêu đầu, cắm bằng cây sào treo đầu ở ngã tư đường để răn đe cho mọi người sợ); lục thi (chết rồi còn bị băm xác, phanh thây ra từng mảnh) và nghiêm khắc nhất là lăng trì.

Theo định nghĩa của điều “giải thích” trong bộ luật thì án “lăng trì” được thi hành bằng cách cắt thẻo từng miếng thịt, lóc đến hết thịt mới thôi. Sau đó, nếu là nam thì cắt bỏ dương vật, nếu là nữ thì cắt bỏ âm hộ. Tiếp theo là mổ bụng moi hết ngũ tạng ra. Sau cùng đập xương nát từng khúc, từng mảnh... Hình phạt này nhằm làm cho tử tội chết chậm từ từ (mort lente), thẻo từng miếng thịt theo nhịp trống thi hành án nên còn gọi là “tùng xẻo”.

Trong Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ XV) và Bộ luật Gia Long (thế kỷ XIX) ở nước ta đều có quy định đủ cả năm bậc tử hình như nói trên. Và lăng trì được định nghĩa là “một cực hình ngoài mức cực hình” (lăng trì giả cực hình ngoại chi cực hình”). Bộ luật Gia Long quy định: “Chỉ sử dụng loại “cực hình ngoài mức cực hình” này để xử tội những kẻ bất trung, bất hiếu thôi” (“chỉ lưu thủ cực hình ngoại chi cực hình dĩ lục phù bất trung bất hiếu giả”).

Trong Hoàng Việt luật lệ có mấy tội điển hình “bất trung bất hiếu” sau đây phải dùng tới hình phạt lăng trì:

- Mưu phản và đại nghịch chống vua và xã tắc (Điều 223).

- Mưu giết ông bà, cha mẹ (Điều 253, 288).

- Gian dâm và âm mưu giết chồng (Điều 253).

- Giết một nhà ba người (Điều 256).

- Chặt chân tay, phanh thân thể người còn sống (Điều 257).

- Đầy tớ đánh chủ nhà đến chết (Điều 283).

- Vợ cố ý đánh chết chồng (Điều 284).

Thân chào bạn.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 5-2010, Mục "Chuyện xưa chuyện nay")

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100910081812369p1112c1113/bo-luat-gia-long-va-hinh-phat-lang-tri.htm