Bộ KH&CN gây ấn tượng trong cải cách kiểm tra chuyên ngành

Với việc bãi bỏ 114 loại hàng hóa, áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm hàng hóa, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Các chuyên gia đánh giá, Bộ KH&CN đã gây ấn tượng trong cải cách kiểm tra chuyên ngành.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong cải cách kiểm tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có vai trò rất quan trọng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Bộ KH&CN thay đổi tư duy, giảm mạnh số mặt hàng phải kiểm tra và kiểm tra trước khi thông quan là rất ấn tượng". Ảnh: Huy Hùng

“Chúng tôi nhận thấy bất cập lớn nhất trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành lâu nay là tư duy “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Nên việc Bộ thay đổi tư duy, giảm mạnh số mặt hàng phải kiểm tra và kiểm tra trước khi thông quan là rất ấn tượng”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc tiền kiểm sẽ khiến doanh nghiệp phải gánh chi phí rất lớn. Như theo phản ánh của doanh nghiệp, nhập khẩu một lô thép mất gần nửa tháng trời. Tuy nhiên, ông Tuấn hi vọng Thông tư 07 của Bộ KH&CN sẽ giúp thay đổi căn bản thực trạng này.

Cùng với đó, tình trạng độc quyền của các cơ sở xác nhận, đánh giá sự phù hợp cũng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Việc độc quyền là rất phổ biến, nên việc Bộ KH&CN chỉ định tới 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp là đáng khích lệ.

“Intel nói rằng họ có chip điện tử hiện đại nhất thế giới, chưa kịp có quy chuẩn nhưng Việt Nam vẫn đè ra kiểm tra. Rồi nhiều sản phẩm đạt chuẩn châu Âu nhưng về Việt Nam kiểm tra lại không đạt chuẩn…”, ông Tuấn nêu thực tế và đề nghị các Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải đánh giá rằng Thông tư 07 của Bộ đã giải quyết căn bản các vướng mắc theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và mở đường cho việc áp dụng quản lý rủi ro, hậu kiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đánh giá rất cao quy định này và trên thực tế từ khi áp dụng quy định mới này thì về cơ bản Hải quan không bị vướng. Nhưng cho đến nay, trong các Bộ, mới chỉ có Bộ KH&CN chính thức thực hiện yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, thậm chí Bộ cắt tới 96%”, ông Hải nói.

Nhưng ông Hải cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục rà soát lại các quy định bởi nhiều văn bản trước đây chưa thống nhất với nội dung đổi mới trong các văn bản gần đây, cần sửa đổi, bổ sung.

Về vai trò của Bộ KH&CN, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực tiêu chuẩn quy chuẩn, Bộ KH&CN là trụ cột chính, Bộ cần phối hợp được các bộ ngành khác để xây dựng bộ tiêu chuẩn tốt để doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Siết chặt quy chuẩn thì các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mới phát triển được. Bộ KH&CN với tư thế cầm cờ trong việc này nên chọn 1 số sản phẩm trọng điểm quốc gia để triển khai vấn đề này.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Trong lĩnh vực Tiêu chuẩn quy chuẩn, Bộ KH&CN là trụ cột chính". Ảnh: Huy Hùng

Bên cạnh đó, chất lượng thiết bị là vấn đề này cần tính toán cẩn thận vì tuổi thiết bị không hẳn nói nên chất lượng thiết bị. Đề nghị cách tiếp cận thiết bị gắn với chất lượng sản phẩm... để không nhập sản phẩm mới nhưng chất lượng kém.

"Bộ KH&CN giữ vai trò chủ chốt trong đánh giá chất lượng sản phẩm thiết bị. Với xu thế hội nhập như hiện nay các phẩm mới tràn ngập trên thị trường thì Bộ KH&CN cần phải có tư duy chiến lược để đáp ứng được yêu cầu quản lý từ thực tiễn đặt ra", ông Thiên lưu ý.

Trong xu thế hội nhập như hiện nay, Việt Nam đang chuyển rất nhanh sang nền kinh tế gắn với công nghệ cao, khi đó Việt Nam phải lấy chiến lược phát triển KH&CN làm trục chính, kinh tế phải gắn với khoa học, nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Về vấn đề khởi nghiệp, theo đánh giá của ông Trần Đình Thiên cho rằng Bộ KH&CN phải là người “cầm càng”, dẫn dắt. Đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành khác đẩy mạnh nữa công tác chỉ đạo việc triển khai cuộc cách mạng 4.0 và khởi nghiệp là câu chuyện của doanh nghiệp, do đó cần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

Thanh Uyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bo-khcn-gay-an-tuong-trong-cai-cach-kiem-tra-chuyen-nganh-d131781.html