Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng giải pháp cung ứng vật liệu cho dự án cao tốc

Sau năm ngày kiểm tra ở các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp cung ứng vật liệu cho cao tốc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 3-7 đến 7-7, Bộ GTVT lập hai tổ công tác làm việc với UBND từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để kiểm tra tình hình cung ứng vật liệu xây dựng thi công đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025).

Sau năm ngày làm việc, Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng thực trạng và giải pháp cung cấp vật liệu cho các dự án trên.

Thủ tục cấp mỏ vật liệu các tỉnh còn chậm

Theo đó, 10 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần khoảng 17,37 triệu m3 đá, công suất khai thác hiện nay khoảng 9,56 triệu m3 mỗi năm.

Theo tiến độ dự án, nhu cầu vật liệu đá đến thời điểm này chưa nhiều do các dự án chủ yếu đang thi công các hạng mục bê tông xi măng, vì vậy công suất khai thác hiện nay của các mỏ cơ bản đáp ứng.

Tuy nhiên, đến giai đoạn thi công hạng mục móng, mặt đường, nhu cầu sử dụng vật liệu đá rất lớn và tập trung trong thời gian ngắn nên cần nâng công suất các mỏ để đáp ứng tiến độ thi công.

Về cát đắp nền đường cho 10 dự án thành phần trên, Bộ GTVT cho biết tổng nhu cầu khoảng 9,67 triệu m3. Công suất các mỏ trên địa phận một số tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu do chủ yếu sử dụng cát cho hạng mục bê tông xi măng.

Riêng các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên và một số mỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hạn thời gian khai thác, tạm dừng khai thác nên chưa đáp ứng do còn cung cấp cho các dự án của địa phương.

Hiện các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối với với chủ mỏ và các cơ quan chức năng của địa phương kiến nghị UBND các tỉnh nâng công suất 39 mỏ, gia hạn giấy phép 5 mỏ để đảm bảo đủ nhu cầu cho các dự án thành phần.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH

Đối với các mỏ cát mới, Bộ GTVT cho biết dự kiến đến tháng 7-2023 mới khai thác được do phải hoàn thiện các thủ tục. Tuy nhiên, Bộ GTVT lo lắng vì thủ tục khai thác mỏ đang chậm, trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần. Nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu.

Về vật liệu đất, Bộ GTVT cho biết có hai mỏ trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh công suất chưa đáp ứng. Hiện các nhà thầu đang kiến nghị địa phương nâng công suất để đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu theo tiến độ thi công dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Đối với mỏ đất mới, Bộ GTVT cho biết đến nay các nhà thầu mới khai thác được đất từ 9/26 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 6,41 triệu m3 (chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu). Các mỏ còn lại chưa khai thác được do việc thương thảo với chủ sở hữu đất gặp khó khăn. Một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

Về giá vật liệu xây dựng, đoàn kiểm tra chưa phát hiện tình trạng nâng giá, ép giá, bán vật liệu cao hơn giá niêm yết, công bố. Tuy nhiên, giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể về giá thỏa thuận, khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

Với các dự án từ Cần Thơ đến Cà Mau, vật liệu đá đủ, nhưng vật liệu cát thiếu. Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh dành sự ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ.

Hiện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nhu cầu cát cho hai dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau khoảng 1,471 triệu m3. Nếu tiếp tục quyết định cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác cho dự án (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) sẽ có thêm 2,7 triệu m3, đủ điều kiện thi công đến hết tháng 9-2023. Đến tháng 10-2023, khi tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo nhu cầu 9,1 triệu m3 trong năm 2023.

Từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được nâng công suất các mỏ

Để đảm bảo vật liệu xây dựng cho cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 18/2022.

Trong đó, cho phép UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, các tỉnh trên được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế. Tinh thần là để rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng. Về lâu dài, bộ này cần nghiên cứu sửa quy định rút ngắn thời gian thực hiện trồng rừng thay thế nhằm đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.

Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ đã trình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2023. Khảo sát, đưa thêm các mỏ mới phục vụ dự án và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10-2023.

UBND các tỉnh, chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, bảo đảm đủ điều kiện khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu năm 2023. Cạnh đó, thành lập tổ công tác bao gồm chính quyền địa phương, các sở ngành có liên quan, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.

Các tỉnh không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.

Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, UBND các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt Sở TN&MT, thực hiện các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác.

UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét để tiếp tục cung cấp cát (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) từ các mỏ đang khai thác trong tháng 7-2023.

UBND tỉnh Vĩnh Long sớm chấp thuận giao 2 mỏ theo đề nghị của Sở TN&MT để nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7-2023. Ưu tiên giao 3 mỏ còn lại cho các nhà thầu thi công dự án được khai thác, bảo đảm đủ 5 triệu m3 cho dự án.

UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án cung cấp 3,7 triệu m3 còn lại, bảo đảm đủ khối lượng cát cho dự án.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gtvt-de-xuat-thu-tuong-giai-phap-cung-ung-vat-lieu-cho-du-an-cao-toc-post743182.html