Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ngày 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Năm 2023, cả nước hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc - Nam và Đông - Tây, tạo tiền đề quan trọng để có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Ngành GTVT đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km, 3 cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, khởi công một số dự án: Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Liên - Túy Loan.

Bộ GTVT là cơ quan được giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay và lớn nhất trong các bộ, ngành, địa phương với hơn 94.000 tỷ đồng (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021) và gần 20.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ đạt kết quả giải ngân trên 95%, tiếp tục duy trì trong tốp đầu cả nước, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Xác định nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, Bộ GTVT tập trung, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 6/6 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 4/4 nhiệm vụ tại Đề án 06, cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A trong khối các bộ, ngành.

Năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu khối lượng hàng hóa tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Về khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt khoảng 785 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023. Về kế hoạch đầu tư phát triển, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch...

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội phát biểu thảo luận nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ, những kiến nghị, đề xuất giúp cho ngành Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng triển khai các chương trình hành động, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến ngành GTVT. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, địa phương trực tiếp thực hiện. Tập trung rà soát, xử lý các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy tiềm năng, tạo động lực mới cho sự phát triển. Triển khai truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các chương trình, kế hoạch của Bộ GTVT. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để đảm bảo tiết kiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo trì.

Đồng thời, làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành GTVT, trong các dự án quan trọng, trọng điểm. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ công tác.

Vũ Tiệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bo-giao-thong-van-tai-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-3166548.html