Bộ Giáo dục sẽ xem xét điều chỉnh dạy học tích hợp cấp Trung học Cơ sở

Sáng 15-8, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành Giáo dục. Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ chia sẻ trước những trăn trở và nguyện vọng của giáo viên (GV) trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018). Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định: Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới – những nhiệm vụ mang tính chiến lược của ngành.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình mới

Một trong những nội dung được nhiều GV trao đổi, kiến nghị tại buổi gặp gỡ đó là những khó khăn trong quá trình triển khai CTGDPT 2018.

Cô Hoàng Hải Vân - GV Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Nha Trang) cho biết, qua 2 năm triển khai Chương trình ở cấp THCS cho thấy, đây là điều kiện để GV tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn KHTN và KHXH còn bất cập khi GV được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, việc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa, học sinh (HS) chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.

Bản thân là một GV, đồng thời cũng là một phụ huynh nên cô Vân cũng có những trăn trở nhất định như: Việc chuyển trường của HS gặp khó khăn; thi HSG các cấp sẽ như thế nào; phương án thi, xét tốt nghiệp, tuyển sinh trong những năm tới sẽ ra sao?

Đại diện cho các thầy cô giáo tỉnh Lạng Sơn, cô Hoàng Thị Thu Hương – GV Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hòa Bình, H.Văn Quan nêu ý kiến: Từ năm học 2023-2024, các địa phương bắt đầu tổ chức thi HSG lớp 8, lớp 9 các cấp theo CTGDPT 2018, trong đó có một số môn tích hợp như KHTN, Lịch sử và Địa lý là các môn học mới. Vậy việc xếp môn thi theo bài thi đơn lẻ như môn học cũ (Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử, Địa lý) hay thi theo nội dung của môn học tích hợp. Trong khi đó, ở cấp THPT không có các môn học tích hợp này.

Cô Nguyễn Thị Duyên - GV Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (H.Tân Phước, Tiền Giang) lo lắng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình còn thiếu nhiều, việc trang bị cho từng khối lớp còn hạn chế, chưa đồng bộ, một số phòng học chưa được trang bị đầy đủ máy tính, màn hình, máy chiếu, trang thiết bị dạy học. Để nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện có chất lượng việc đổi mới phương pháp dạy học, cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ địa phương để các nhà trường được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Đề cập đến định mức giáo viên/lớp, thầy Nguyễn Bá Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (H.Đắk Glong, Đắk Nông) chia sẻ: Hiện nay, khi thực hiện CTGDPT 2018, các trường tiểu học cơ bản tổ chức dạy 2 buổi/ngày để đáp ứng tổ chức một số môn học bắt buộc mới như Ngoại ngữ, Tin học, hoạt động trải nghiệm và các môn học tự chọn. Vì vậy, định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định đối với trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày là còn thấp. Mặt khác tại Thông tư 28/2009 của Bộ GD-ĐT quy định rất nhiều các nhiệm vụ kiêm nhiệm được giảm trừ tiết dạy, như: GV làm công tác chủ nhiệm, tổ khối trưởng, Bí thư đoàn… nên với định mức trên sẽ thiếu người làm việc.

Cán bộ, giáo viên tham gia trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Bộ GD-ĐT (Ảnh: Bộ GD-ĐT).

Từ thực tế này, thầy Nguyễn Bá Dũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, cụ thể: Thay thế quy định giảm định mức tiết dạy tại Thông tư số 28/2009, Thông tư số 15/2017 sửa đổi bổ sung một số nội dung tại Thông tư 28 về việc quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông bằng quy định hệ số phụ cấp đối với GV thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Trong trường hợp nếu giữ nguyên quy định giảm định mức tiết dạy thì Bộ GD-ĐT điều chỉnh định mức số lượng người làm việc được quy định tại Thông tư số 16/2017 về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, thầy Dũng đề xuất đối với cấp tiểu học, cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bố trí định mức GV là 1,7 giáo viên/lớp để đảm bảo đủ số người làm việc...

Điều chỉnh dạy học tích hợp nhưng không gây xáo trộn

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà GV, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai CTGDPT 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS. Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình. Khi thiết kế, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho HS. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương, cơ sở giáo dục, GV đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có GV còn nhiều lúng túng, nhất là với GV vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, Bộ trưởng cho rằng, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc; điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh: Để triển khai Chương trình mới, GV và cơ sở vật chất là hai nhân tố quan trọng. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc này, tạo điều kiện thuận lợi cho GV và HS trong quá trình dạy và học. Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học. Việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn gặp khó. Vì vậy, Bộ GD-ĐT mong rằng, lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp.

Bộ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục, trường học khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục việc dạy - học của thầy – trò, nhất là với những giờ thực hành; không để thiết bị trong kho mà không được ra đến lớp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo và nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo. Vì vậy, Bộ trưởng bày tỏ mong đợi sự đổi mới từ chính mỗi nhà giáo, mỗi hiệu trưởng trong các nhà trường, để vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong công cuộc đổi mới, vai trò của hiệu trưởng - người đứng đầu trường phổ thông rất quan trọng. Hiệu trưởng là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới của một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới, khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được.

Năm học tới, ngành Giáo dục cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao là xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là Luật mới, khó, nhiều thách thức, nhưng nếu làm được và được Quốc hội thông qua, ngành Giáo dục sẽ có căn cứ pháp luật quan trọng giải quyết được nhiều vấn đề có tính căn cơ, nâng cao đời sống, phát triển đội ngũ… Với Luật này, Bộ trưởng mong hội tụ được trí tuệ tập thể của hơn 1 triệu nhà giáo trên cả nước.

Việt Hà

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bo-giao-duc-se-xem-xet-dieu-chinh-day-hoc-tich-hop-cap-trung-hoc-co-so-post281971.html