Bộ GDĐT lý giải việc các địa phương nói 'không' với VNEN

Trước việc một số địa phương như Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thái Bình... dừng triển khai hay nhân rộng mô hình trường học mới VNEN, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT xung quanh vấn đề này.

Lớp học theo mô hình VNEN tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: LĐ

Bộ GDĐT đánh giá như thế nào về mô hình trường học mới tại Việt Nam VNEN và kết quả áp dụng tại Việt Nam?

- Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án VNEN) được Tổ chức hợp tác giáo dục toàn cầu (GPE) tại trợ, uỷ thác qua Ngân hàng Thế giới (Hiệp định tài trợ số GPE TF013048 ngày 09.01.2013); cơ quan giám sát là tổ chức UNESCO tại Việt Nam. Dự án VNEN triển khai từ năm học 2012-2013 ở 1.447 trường tiểu học. Dự án đã kết thúc vào cuối tháng 5.2016.

Năm học 2016-2017 có 3.067 trường tiểu học và 1.161 trường THCS triển khai mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện.

Bản chất của mô hình trường học mới tại Việt Nam không phải là một “chương trình mới” như một số người đã nói, mà là một phương thức giáo dục lấy học sinh làm trung tâm thể hiện qua cách thức tổ chức lớp học và phương pháp dạy và học mới.

Với cách dạy mới, năng lực sư phạm, sự tinh tế trong tổ chức hoạt động học của giáo viên tiến bộ rõ nét. Với cách học mới, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu của chương trình hiện hành mà tự tin hơn trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh; chủ động, đoàn kết và hợp tác với nhau trong học tập.

Ông có thể nêu ra những ưu, nhược điểm, những thuận lợi, khó khăn khi tiến hành áp dụng chương trình này?

- Qua đánh giá của nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, đánh giá của nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, mô hình trường học mới có một số ưu điểm như giáo viên chuyển từ lối dạy truyền thống (chủ yếu giảng giải) sang tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập, học cá nhân, học nhóm;  học sinh học theo mô hình trường học mới tự tin, chủ động, tich cực…

Tuy nhiên một số bất cập, hạn chế cũng xuất hiện trong quá trình triển khai ở các địa phương, nhất là ở các trường nhân rộng như việc tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên chưa được hiệu quả, cơ sở vật chất ở một trường chưa thuận lợi cho việc tổ chức phương thức giáo dục này, sĩ số lớp quá đông, việc tuyên truyền về mô hình trường học mới chưa tốt, chưa tạo được sự đồng thuận của giáo viên, cha mẹ học sinh trong quá trình thực hiện,...

Để khắc phục tình trạng trên, năm học 2016-2017, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đang thực hiện tiếp tục triển khai trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh, đảm bảo nguyên tắc “lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm”.

Mới gần đây, ngày 08.8.2017, Bộ GDĐT tiếp tục yêu cầu các địa phương rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình trường học mới, để việc triển khai phương thức giáo dục này có hiệu quả, tránh những bất cập, hạn chế đã gặp phải.

Hiện nay, một số địa phương tuyên bố dừng triển khai VNEN, theo Bộ GDĐT, nguyên nhân do đâu và biện pháp khắc phục?

- Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất cập trong quá trình thực hiện chính là việc triển khai nhân rộng ở một số nơi, một số địa phương còn nóng vội, chạy theo số lượng; triển khai, nhân rộng khi chưa đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, về cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên trước khi triển khai mô hình trường học mới chưa được tốt.

Thậm chí, còn có giáo viên, cán bộ quản lí nghi ngờ, băn khoăn về VNEN vì chưa hiểu rõ về phương thức giáo dục này. Từ đó gây tâm lí lo lắng, bức xúc trong cha mẹ học sinh, và trong dư luận xã hội.

Có thể nói, chính vì chưa đảm bảo được các điều kiện nên mô hình trường học mới đã gặp khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Để triển khai mô hình trường học mới, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của học sinh, tiếp tục triển khai phương thức giáo dục này trên tinh thần tự nguyện. Các cơ sở giáo dục được áp dụng mô hình trường học mới một cách linh hoạt, không rập khuôn, máy móc, và có thể lựa chọn một số các thành tố tích cực của mô hình để triển khai một cách phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục.

Bộ GDĐT sẽ tập huấn cho cốt cán của các địa phương để từ đó địa phương tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên của những cơ sở giáo dục tự nguyện tham gia mà chưa được tập huấn hoặc tập huấn chưa đạt hiệu quả; kiên quyết không cho phép triển khai phương thức giáo dục này ở những cơ sở không đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-ly-giai-viec-cac-dia-phuong-noi-khong-voi-vnen-549964.ldo