Bộ GD&ĐT không nên viết thêm bộ sách giáo khoa phổ thông

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Bộ GD&ĐT không thể đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa (SGK), vì việc này không thuộc chức trách của Bộ.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam, Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng, để có những bộ SGK phù hợp, chất lượng, cần huy động chính đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm từ trường phổ thông, đại học, chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn.

Hiện có nhiều hội nghề nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Chẳng hạn, Hội Toán học Việt Nam sẽ đảm nhận việc biên soạn SGK về Toán; Hội Vật lý Việt Nam biên soạn SGK về Vật lý...

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú.

Nhà nước có thể hỗ trợ bước đầu một phần, hoặc cho vay để biên soạn SGK, sau này có thành phẩm sẽ tự trang trải. Cách này, nhiều nước đã làm, vừa đơn giản, vừa hợp với khả năng của ta, không mất nhiều thời gian và chắc chắn nhanh có SGK tốt, Nhà nước lại không quá tốn kém.

Việc thẩm định SGK cũng sẽ được các Hội đồng Khoa học cơ sở đánh giá và trình Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Như thế sẽ có nhiều bộ SGK, càng làm phong phú thêm cho việc thực hiện dân chủ hóa trong dạy học, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học tại các trường.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao của Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết của Đảng đã nêu ra, Bộ GD&ĐT nên tập trung công sức huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, đối tượng. Một khi chưa làm rõ chương trình thì đừng nói đến chuyện tổ chức biên soạn xuất bản SGK”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo ông Phú, Quyết định 88 cũng không yêu cầu bắt buộc nhất thiết Bộ GD&ĐT phải viết một bộ SGK. Tại diễn đàn khoa học năm 2014, nhiều nhà khoa học, nhà xuất bản nói về tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “con đẻ - con nuôi” có thể xảy ra nếu Bộ GD&ĐT đứng ra chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông.

Để biên soạn bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 theo chương trình giáo dục đã ban hành, ít nhất cần một lượng tiền tối thiểu ước tính 300 tỷ đồng. Đây là chi phí không nhỏ. Liệu có nên không trong khi hiện tại ta đã có 5 bộ SGK được các Hội đồng quốc gia có trách nhiệm thẩm định?

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa:

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bo-gddt-khong-nen-viet-them-bo-sach-giao-khoa-pho-thong-1923093.html