Bộ đội, dân quân Ea Súp (Đắc Lắc): Trắng đêm cùng dân chống lũ

Đến chiều 14-8, lũ lụt đã lan rộng ra 9/10 xã, thị trấn ở huyện Ea Súp (Đắc Lắc). Trong cơn 'đại hồng thủy', quân và dân Ea Súp đã chủ động, bình tĩnh chống lũ với quyết tâm: Bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng nhân dân. Lực lượng bộ đội và dân quân đã thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở cơ sở.

Dân quân xã Ea Bung di dời dân ra khỏi vùng lũ

Đến chiều 14-8, lũ lụt đã lan rộng ra 9/10 xã, thị trấn ở huyện Ea Súp (Đắc Lắc). Trong cơn “đại hồng thủy”, quân và dân Ea Súp đã chủ động, bình tĩnh chống lũ với quyết tâm: Bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng nhân dân. Lực lượng bộ đội và dân quân đã thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở cơ sở. Các anh bất chấp hiểm nguy, dầm mình trong mưa lũ, đến từng thôn xóm bị ngập sâu giúp dân di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Là huyện miền núi, nhưng Ea Súp có khá nhiều sông, suối trong đó có sông chính Ea Hleo và những con suối lớn như Ea Súp, Đắc Bùng... và những thôn buôn nằm dọc hai bên sông, suối thường bị ảnh hưởng khá nặng nề khi xảy ra lũ lụt. Vì thế ở những thôn, buôn này khi dự báo lũ lụt có thể xảy ra thì lực lượng bộ đội và dân quân luôn thường trực, để kịp thời vận động và giúp dân sơ tán.

Từ sáng 12-8 đến nay, các xã Ya Lốp, Ya Tmốt, Ia Nvê, Ia Rlơi lực lượng dân quân thường trực và dân quân rộng rãi được huy động tới cả trăm đồng chí, túc trực suốt ngày đêm triển khai công tác chống lũ. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các xã này nhanh chóng kiện toàn và thường trực tại trụ sở UBND 24/24 giờ trong ngày, kịp thời nắm chắc tình hình diễn biến của thiên tai và trực tiếp chỉ đạo công tác chống lũ. Sáng 14-8, chúng tôi về xã Ea Bung, đây là xã có tới gần 200 ha cây trồng bị thiệt hại trong cơn lũ. Trên đường từ trung tâm huyện về Ea Bung, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những đồng lúa đang thì con gái bị ngập chìm trong nước lũ. Nhiều cánh đồng ngập trắng, mênh mông như biển. Các anh Trịnh Văn Lanh, Bí thư Đảng ủy; Phan Thanh Pha, Phó bí thư Đảng ủy và Phạm Duy Hòa, Chủ tịch HĐND vừa từ các thôn, buôn trực tiếp chỉ huy công tác chống lũ trở về cho biết: Ea Bung đã có nửa xã bị ngập trong lũ, trong đó 72 nhà dân bị ngập, nhiều nhà ngập sâu tới 2 mét. Địa bàn nặng nhất là thôn 10 với 32 hộ dân bị ngập. Theo thống kê ban đầu, diện tích cây trồng ở Ea Bung bị thiệt hại trong trận lũ này hiện lên đến 200ha, trong đó có 150ha lúa nước đang làm đòng, 50ha bắp; 5ha ao cá và 125 giếng nước.

Về Ea Bung những ngày lũ lớn, chúng tôi thực sự cảm kích khi nghe những tấm gương bộ đội và dân quân dầm mình trong lũ để cứu dân. Cuộc chiến chống lũ ở Ea Bung bắt đầu từ 8 giờ sáng 13-8. Khi phát hiện các thôn trong xã bị ngập, lực lượng Bộ đội biên phòng đồn 739, dân quân và công an xã đã chia nhau xuống vùng lũ, mỗi thôn buôn hơn chục anh em. Các anh vào từng hộ dân, bồng bế, dìu dắt từng cháu nhỏ, cụ già và những người ốm yếu ra khỏi vùng lũ; di chuyển tài sản của dân lên nơi cao ráo. Do phương tiện như xuồng, thuyền chuyên dùng chống lũ không có, bộ độ và dân quân phải tận dụng những chiếc thuyền tôn nhỏ của dân để tiến hành di dời những hộ bị ngập lụt ra khỏi vùng nguy hiểm. Anh Trần Văn Cầu, xã đội trưởng Ea Bung cho biết: “Suốt từ 8 giờ sáng 13-8 cho đến 5 giờ sáng 14-8 gần 100 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an và dân quân cùng anh em trong Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão xã đã suốt ngày đêm dầm mình trong mưa lũa để cứu dân. Kết quả trong một ngày một đêm, lực lượng phòng, chống lụt, bão của xã Ea Bung đã đưa được 45 cháu nhỏ, 15 cụ già, 4 tấn lương thực, hơn 100 con heo cùng nhiều tài sản có giá trị khác của 72 hộ dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn mọi mặt. Trong số những trường hợp được ứng cứu có gia đình cụ Nguyễn Công Su ở thôn 6, gia đình cụ Trịnh Văn Tường ở thôn 10, hoàn cảnh neo đơn, nếu không được lực lượng dân quân hỗ trợ kịp thời thì khó bảo đảm an toàn tính mạng khi dòng lũ lên nhanh.

Được biết, do quỹ phòng, chống lụt, bão của xã Ea Bung có hạn, với số tiền vỏn vẹn 500 nghìn đồng/năm nên việc trang bị phương tiện, cũng như bảo đảm các chế độ cho lực lượng tham gia phòng, chống lụt, bão là hết sức khó khăn. Trong những ngày huy động dân quân chống lũ, UBND xã Ea Bung đã trích ngân sách thường xuyên để tổ chức cho anh em ăn uống tại xã, bảo đảm duy trì quân số 100%, sẵng sàng xử lý tốt các tình huống xảy ra. Khi chúng tôi có mặt ở Ea Bung, các chiến sĩ dân quân Lê Thành Trung, Phạm Bá Ngà, Lưu Quốc Trình và Trần Văn Bảy đang dầm mình trong mưa lũ ở thôn 6, khẩn trương và cẩn trọng đưa từng người dân, từng món tài sản từ trong những ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ lên nơi an toàn. Gia đình anh Phạm Văn Phú, thôn 6 có tới 3 ha cây trồng bị ngập và có nguy cơ mất trắng. Khi phát hiện ngôi nhà gia đình anh Phú có nguy cơ bị ngập sâu trong lũ, anh em dân quân đã quên cả nỗi mệt nhọc sau một đêm thức trắng, tiếp tục ngâm mình trong lũ, nhanh chóng giúp gia đình anh Phú đưa các cháu nhỏ và di chuyển tài sản lên nơi cao ráo. Do đặc thù địa hình không bằng phẳng, nên ở Ea Bung trong khi một số thôn bị ngập sâu trong lũ, thì cũng có những thôn do ở trên cao nên ít bị ảnh hưởng. Và trong những ngày lũ lụt xảy ra, tình làng nghĩa xóm ở đây đã được khơi dậy, bà con đùm bọc cưu mang nhau. Hộ không bị ngập cho những gia đình có nhà bị ngập ở nhờ, để nhờ tài sản; bà con còn san xẻ cho nhau cả lương thực, thực phẩm nhờ đó cả xã Ea Bung không để hộ nào bị thiếu đói trong những ngày mưa lũ.

Sau hơn một ngày, một đêm dầm mình trong mưa lũ ứng cứu dân, trung úy Trần Văn Chính và 5 anh em trong đội công tác vận động quần chúng của đồn 739 đã thấm mệt, nhưng bữa cơm trưa 14-8 anh em vẫn phải ăn quấy quá, bởi trời vẫn mưa, nước lũ còn đang lên, còn những thôn buôn khác cần các anh hỗ trợ. Có thể đêm nay nữa, những người lính biên phòng làm nhiệm vụ ở địa bàn Ea Bung thêm một đêm thức trắng cùng dân chống lũ.

Trung tá Đoàn Văn Tuyết, Phó chỉ huy trưng Cơ quan quân sự huyện Ea Súp nói về tình thần chuẩn bị chống lũ của đơn vị: “Ngoài lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu theo mệnh lệnh của trên, những ngày này đơn vị huy động tối đa lực lượng và phương tiện hiện có cho công tác phòng chống lũ. Hơn 20 cán bộ chiến sỹ LLVT cùng 1 xuồng máy, 30 áo phao đã sẵng sàng trong tư thế xuất quân về vùng lũ khi xảy ra tình huống cấp bách”.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Ea Súp, đến chiều 14-8, trên địa bàn huyện nước lũ làm ngập 1.278 ngôi nhà, 3.937 ha cây trồng, trong đó lúa nước gần 2 nghìn ha, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Ea Rốc là xã bị thiệt hại nặng nhất, với 577 hộ và 1.300 ha cây trồng bị ngập.

Tình hình mưa lũ ở Đắc Lắc trong ngày 14-8 tiếp tục có diễn biến phức tạp, lũ lụt không chỉ xả ra ở các huyện Ea Súp, mà còn lan rộng sang các huyện khác như Cư Mgar và Lắc. Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Đắc Lắc, tại huyện Chư Mgar lũ lụt đã làm 1 người chết, gây hư hại nghiêm trọng đập Ea Nung; trên địa bàn huyện Lắc, lũ lụt làm gập 551 ha cây trồng. Hiện tỉnh Đắc Lắc và các huyện đã triển khai lực lượng túc trực ở các điểm dân cư bị ngập lụt thực hiện các phương án cứu hộ, cứu trợ; chủ động ứng phó với những diễn biến thất thường của thiên tai./.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bo-doi-dan-quan-ea-sup-dac-lac-trang-dem-cung-dan-chong-lu-414621