Bộ Công Thương: Phú Thọ xây dựng nông thôn mới đến đâu cần chắc đến đó

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tiến hành làm việc, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Thọ.

Nhiều kết quả khả quan

Trao đổi với Đoàn công tác, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho hay, kết quả đạt được của ngành Công Thương Phú Thọ năm 2023 tương đối khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 dự kiến tăng trưởng trên 17,3%, nằm trong số địa phương có kết quả cao nhất; giá trị xuất khẩu cũng đứng top đầu cả nước.

Bên cạnh đó, địa phương cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp nông thôn, giao thông.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết, địa phương đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo từ Sở Công Thương Phú Thọ, địa phương hiện có 4 huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 huyện Thanh Ba và Tam Nông đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, xét, trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 134/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã nông thôn mới nâng cao.

Riêng các tiêu chí thuộc lĩnh vực Công Thương, với tiêu chí số 4 về điện nông thôn, Phú Thọ đã sớm lập Phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đề ra lộ trình và giải pháp thực hiện. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển lưới điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi kinh tế khó khăn. Xây dựng lưới trung áp và hạ áp đồng bộ đến các khu vực vùng sâu vùng xa để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về kế hoạch xây dựng hệ thống điện nông thôn, Sở Công Thương đã báo cáo UBND tỉnh một số chỉ tiêu thực hiện về đầu tư phát triển hệ thống lưới điện nông thôn như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện theo hướng an toàn, ổn định và đảm bảo mỹ quan; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 76 trạm biến áp hạ thế với tổng kinh phí khoảng 76 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đề nghị 24 đơn vị bán lẻ điện nông thôn (ngoài ngành điện) phải xây dựng Kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện giai đoạn 2021 - 2025 báo cáo UBND cấp huyện, Sở Công Thương để theo dõi, quản lý, giám sát; trong đó đề ra lộ trình, kế hoạch đầu tư, nâng cấp cải tạo lưới điện cụ thể từng năm để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra giám sát thực hiện với tiêu chí số 4 cũng được Sở Công Thương thường xuyên thực hiện.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ về chương trình xây dựng nông thôn mới

Với tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Phú Thọ hiện có 189/196 xã đạt tiêu chí số (này chiếm 96,4%). Về cơ bản hạ tầng thương mại nông thôn bao gồm các chợ đã được quan tâm dành nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp; các trung tâm thương mại, siêu thị và cơ sở bán lẻ khác đã được khuyến khích đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài ra, với các tiêu chí về cụm công nghiệp và công tác tham gia chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn nông thôn đã và đang được Phú Thọ tích cực triển khai.

Đánh giá về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Sở Công Thương Phú Thọ nhấn mạnh, đang được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương và đông đảo người dân.

Diện mạo nông thôn trên địa bàn có sự chuyển biến rõ nét, các cửa hàng kinh doanh tổng hợp và các cơ sở bán lẻ, cửa hàng tiện ích, tạp hóa, dịch vụ ăn uống được phát triển rộng khắp, đặc biệt một số xã đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng siêu thị, cửa hàng winmart+, đã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Một số chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp đáp ứng các tiêu chí chợ nông thôn mới.

Điện sinh hoạt và sản xuất được cấp đến các đối tượng sử dụng thường xuyên, an toàn và tin cậy, cơ bản đạt tỷ lệ 100%; công tác giải phóng hành lang an toàn lưới điện, chỉnh trang gọn gàng hệ thống đường dây được chú trọng đảm bảo an toàn điện và mỹ quan nông thôn.

Ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Đề xuất từ thực tiễn

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng cũng chỉ ra những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Cụ thể, về hạ tầng thương mại, Phú Thọ cũng như các tỉnh trung du và miền núi khác do phong tục tập quán để lại có tồn tại chợ họp theo phiên (5 - 6 lần/tháng), theo quy định hiện hành chợ họp theo hình thức trên vẫn được gọi là chợ. Trong khi đó, kiểm tra đánh giá tiêu chí số 7 phải đánh giá xã có chợ trước, trường hợp không có chợ mới đánh giá cơ sở bán lẻ khác. Do vậy, việc hướng dẫn, thẩm định đánh giá tiêu chí số 7 gặp nhiều khó khăn vì một số địa phương có tồn tại chợ họp theo phiên, việc đầu tư, cải tạo và nâng cấp tốn kém nhiều kinh phí và nhu cầu chưa thật sự cần thiết.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở Công Thương Phú Thọ đề nghị, Bộ Công Thương nghiên cứu quá trình thẩm định tiêu chí số 7 cho đánh giá đồng thời 2 tiêu chí là “Chợ” và “Cơ sở bán lẻ khác”.

Đồng thời đề nghị, Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với tiêu chí số 6 về kinh tế huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, điều chỉnh tiêu chuẩn chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm thành có chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương khảo sát tình hình thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại Phú Thọ

Trước những thông tin được nêu ra tại buổi làm việc, kết hợp với kết quả đánh giá thực tế, ông Đoàn Mạnh Trường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cục Công Thương địa phương đánh giá cao kết quả đạt được của Phú Thọ trong xây dựng nông thôn mới.

Để có bứt phá hơn nữa, ông Đoàn Mạnh Trường đề nghị, Sở Công Thương Phú Thọ tổng hợp các tiêu chí thuộc lĩnh vực phụ trách để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá, tuyên truyền. “Làm nông thôn mới đến đâu chắc đến đấy và cần đặc biệt quan tâm tới chợ an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng đó, thực hiện tốt hơn các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại… nhằm hỗ trợ công nghiệp nông thôn của địa phương phát triển”, ông Đoàn Mạnh Trường cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - Trưởng Đoàn công tác lưu ý thêm, Phú Thọ cần chú ý tới vấn đề xử lý nước thải và hoàn thiện cảnh quan môi trường tại cụm công nghiệp.

Cùng đó, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền về nông thôn mới, nhất là với lĩnh vực ngành Công Thương quản lý; tiếp tục đánh giá về xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí; tăng cường kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo quá trình thực hiện, đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-phu-tho-xay-dung-nong-thon-moi-den-dau-can-chac-den-do-287045.html