Bộ Công Thương không đồng ý đề xuất 3.000 tỷ đồng dán tem bia

Bộ Công Thương cho biết, xét thấy, việc dán tem có thể khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, phát sinh thủ tục, nên Bộ Công Thương đã không xem xét phương án dán tem bia. Thay vào đó, Bộ này sẽ nghiên cứu các giải pháp khác trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp…

Bộ Công Thương tìm phương án khác chống thất thu 3.000 tỷ đồng từ bia lậu, bia giả (Ảnh: IT)

Bộ Công Thương cho biết, mấy ngày qua, một số cơ quan báo chí có đăng tải thông tin về đề án dán tem bia với những lo ngại việc dán tem sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ đẩy giá giá sản phẩm tăng theo.

Bộ Công Thương cho biết, trước tình trạng buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng nói chung và nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bia, rượu diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm, năm 2011, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”. Trong đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát VBA có đề xuất dán tem bia nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại, đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Nguồn tin từ Bộ Công thương cũng cho biết, đề xuất dán tem bia đã có từ những năm 2011, Bộ đã có quyết định dừng nhưng không hiểu sao lại có thông tin như gần đây.

Trước đó, theo đề án "Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia được Bộ Công thương và các bộ ngành nghiên cứu xây dựng, VBA đã đề xuất dán tem trên sản phẩm bia nhằm tăng thu ngân sách và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

Theo số liệu của VBA, hiện có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình 20-25 triệu lít/năm/cơ sở, sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỉ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến có cả bia giả, bia lậu...Điều đó khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 3.000 tỉ đồng.

VBA đề xuất, để quản lý việc thất thu ngân sachs, tem bia sẽ được dán ở tất cả sản phẩm bia sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được đưa lưu thông trên thị trường. Theo đó, giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, với tem được in phun trực tiếp là 145,44 đồng.

Theo Đề án này, việc dán tem bia giúp ngân sách tăng thu hơn 2.000 tỉ đồng, giúp doanh nghiệp tiết giảm được các thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.

Tuy nhiên, trước những băn khoăn của các doanh nghiệp sản xuất bia về việc giá thành sản xuất sẽ bị tăng cho việc dán tem như chi phí đầu tư thêm thiết bị máy móc, bảo hành, bảo dưỡng…tăng thêm chi phí cho dán tem từ đó làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp. Chính vì thế, Bộ Công Thương cho biết, sẽ nghiên cứu giải pháp khác, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-khong-dong-y-de-xuat-3000-ty-dong-dan-tem-bia-808845.html