Bọ cạp trị trúng phong, loét miệng

Bọ cạp là một dược liệu có giá trị trong các đơn thuốc của Đông y với tên thuốc là toàn yết.

Bọ cạp là một dược liệu có giá trị trong các đơn thuốc của Đông y với tên thuốc là toàn yết. Bọ cạp bắt về thả vào nước trong hoặc nước có pha muối ăn với tỷ lệ 1kg bọ cạp và 300-500g muối. Đun sôi trong 3-4 giờ rồi vớt ra, phơi trong râm mát cho khô, không nên phơi nắng, vì nếu phơi nắng, muối có thể kết tinh. Khi dùng ngâm bọ cạp vào nước, rửa sạch cho hết muối, bỏ chân và đuôi đi. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cũng cho thấy, thuốc từ bọ cạp có tác dụng an thần, giảm đau, chống co giật, kích thích lưu thông máu qua động mạch vành tim và thúc đẩy tuần hoàn ngoại vi, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Bọ cạp cho vị thuốc toàn yết khu phong,trấn kinh.

Theo tài liệu cổ, toàn yết có vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc, vào kinh can. Có tác dụng khu phong, trấn kinh. Dùng chữa kinh giản, phá thương phong, cảm mồm méo, mắt xếch, bán thân bất toại. Người huyết hư sinh phong không dùng được.

Nếu dùng thuốc sắc thì ngày dùng 3-5g; nếu dùng thuốc bột hay thuốc viên thì chỉ dùng 2-3g, chia làm 2-3 lần uống.

Bọ cạp được dùng làm thuốc rất phổ biến ở Trung Quốc trong những trường hợp sau:

Chữa liệt thần kinh mặt: bọ cạp đốt tồn tính, tằm, nam tinh, phụ tử. Mỗi vị 15g, tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước đun sôi để nguội.

Chữa trúng phong: Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

Bài 1: bọ cạp 10g, giun đất 15g, xích thược 12g, ngưu tất 20g, hoa hồng 15g. Sắc uống trong ngày.

Bài 2: bọ cạp 1con, rết 1 con, thấu cốt thảo (cây bóng nước) 15g. Tất cả sao vàng, tán bột, mỗi lần uống 7,5g cách nhau 6 giờ.

Chữa viêm loét miệng: bọ cạp sao tồn tính 3,5g, tằm 5g, hoàng liên 2,5g, xuyên ô 3,5g, rết 2 con, cam thảo 1g. Tất cả tán nhỏ, rây bột. Mỗi ngày uống 1g với nước sắc lá bạc hà. Dùng trong 7 ngày.

DS. Đặng Văn Nam

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bo-cap-tri-trung-phong-loet-mieng-n107368.html