Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc tận dụng cơ hội ra sao để bứt phá

Dù ở thời kỳ nào, doanh nhân cũng luôn nhìn thấy cơ hội. Giữa các đợt sóng cao ập đến, ai cũng có thể bắt đầu đón nhận những thử thách mới cho riêng mình.

Nhạy bén trước sự thay đổi của thời đại là một kỹ năng rất quan trọng. Người thành công là người nắm bắt được sự thay đổi dù là nhỏ nhất của thời cuộc, từ đó điều chỉnh bản thân để thích ứng với sự thay đổi đó.

Các “bậc thầy kinh doanh” luôn biết cải thiện bản thân lên một cấp độ cao hơn trong thời đại mới. Chung Ju-yung tạo bàn đạp để gây dựng cơ nghiệp thông qua các dự án xây dựng với quân đội Mỹ, Lee Byung-chul theo đuổi tiền tài từ ngành công nghiệp chế tạo thông qua Nhà máy đường Cheil, Koo In-hwoi lấy những thất bại trong ngành thương mại làm đòn bẩy cho việc kinh doanh mỹ phẩm và sản xuất nhựa sau này.

Tìm kiếm nhu cầu của khách hàng và thời đại

Chiến tranh đã tàn phá mọi thứ thành đống tro tàn. Ở Nam Hàn, trên 40% thiết bị bị phá hủy. Hai vùng công nghiệp chính của Nam Hàn là Gyeongin và Samcheon cũng trở nên hoang phế. Ở Jinju, nông dân bỏ đất, chủ nhà máy bỏ thiết bị sản xuất, thương nhân bỏ hàng hóa. Lạm phát khiến vật giá leo thang gấp 35 lần chỉ trong vòng ba năm.

Sách Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc.

Busan là nơi mọi người kéo đến lánh nạn khi chiến tranh nổ ra. Tại đây, họ phải bắt đầu lại mọi thứ. Từ chỗ dân số có 500.000 người, Busan đón thêm ba triệu dân tị nạn trong chiến tranh. Đối với những người hứng thú làm ăn thì đây chính là một cơ hội không thể bỏ lỡ.

Koo In-hwoi đã tạo được một bàn đạp cho bước nhảy vọt của mình bằng cách sản xuất nhu yếu phẩm để đáp ứng một số lượng nhu cầu lượng lớn như khay đựng xà phòng bằng nhựa.

Ở Busan không chỉ có dân tị nạn mà còn có quân đội Mỹ được phái đến để chuẩn bị cho cuộc chiến. Họ cũng có những nhu cầu riêng. Chung Ju-yung đã tạo được tên tuổi của mình trong giới xây dựng bằng việc kinh doanh phục vụ cho quân đội Mỹ. Lee Byung-chul cũng kiếm bộn tiền ở Busan nhờ ngành thương mại trong thời kỳ đầy biến động ấy.

Sau Thế chiến II, quân Mỹ tại Nhật lo sợ sự nổi lên của chủ nghĩa quân phiệt nên tiến hành giải thể vùng kinh tế Nhật Bản. Theo đó, quân Mỹ sẽ khống chế giao dịch thương mại giữa Nhật với Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên ở Nam Hàn, các nhà máy đều bị phá hủy do chiến tranh, nhu yếu phẩm khan hiếm nên cần nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt.

Nhật Bản, nước gần nhất, đã bị cấm giao dịch nên các thương nhân ráo riết tìm kiếm một phương án mới như Hong Kong và Macao. Tất nhiên, khoảng cách càng xa, rủi ro càng lớn và giá cả sẽ càng đắt đỏ.

Nhưng vào thời điểm khan hiếm hàng hóa đó, giá cả không phải là điểm cốt yếu. Lee Byung-chul đã kiếm được bộn tiền nhờ làm được điều ấy.

Muốn sống sót phải tự khai phá

Không phải ai kinh doanh ở Busan cũng thành công. Thời kỳ đầu chiến tranh, một số người mở nhà máy chế biến cao su và gỗ nhưng đã bị điêu đứng do không đảm bảo được nguồn nguyên vật liệu và thiếu vốn.

Một số người nhảy vào ngành công nghiệp đóng tàu khi thấy ngành thương mại bước vào thời kỳ hoàng kim với nguồn viện trợ ồ ạt đổ về cảng Busan, nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa vì Mỹ chủ yếu lấy tàu chở hàng viện trợ từ Nhật. Những ngành công nghệ lạc hậu lại là những ngành dễ bị tổn thương nhất.

Các doanh nghiệp lớn từng làm ăn phát đạt trong thời Nhật đóng chiếm giờ đây cũng bị phá sản hoặc thu nhỏ quy mô. Trong khi đó, Busan lại là một nơi đầy thách thức với những công ty tư nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những người đến đây lánh nạn cũng không ngừng tìm cơ hội, nhiều cửa hàng nhỏ cũng vươn lên quy mô tập đoàn.

Tuy vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là đối tượng bị kiểm soát gắt gao khi Nhật phát động chiến tranh Thái Bình Dương. Chính Chung Ju-yung cũng phải rút khỏi ngành khi Lệnh Tái cơ cấu doanh nghiệp được ban hành, buộc xưởng sửa chữa ô tô của ông phải sáp nhập với công ty khác.

Lệnh cấm thông thương với Nhật cũng là một đòn trí mạng đối với những doanh nghiệp lớn. Do ăn nên làm ra trong thời Nhật chiếm, các doanh nghiệp đều dựa hoàn toàn vào hàng hóa và công nghệ của Nhật Bản, do đó sẽ rất khó để họ chuyển sang tự sản xuất khi giao thương với Nhật bị đứt đoạn.

Ngược lại, Busan mang đến một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường cũ thay đổi liên tục, các thị trường mới cũng được h.nh thành.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tách khỏi thị trường vốn bị các tập đoàn lớn độc chiếm để tìm một thị trường ngách cho riêng mình. Nếu như chính sách ngừng thông thương với Nhật khiến các tập đoàn rơi vào khủng hoảng th. các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại tự khai phá ra thị trường, công nghệ và nguồn nguyên liệu mới.

Koo In-hwoi chính là một ví dụ. Ông bắt đầu tự sản xuất mỹ phẩm mà không nhờ đến sự hỗ trợ của Nhật. Về sau, khi tham gia vào ngành công nghiệp nhựa, ông cũng nhập máy móc từ Mỹ chứ không phải từ Nhật.

Cho đến trước khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Chung Ju-yung vẫn chưa có tên tuổi gì trong ngành xây dựng, công ty của Lee Byung-chul cũng không thể so sánh được với quy mô của những công ty lớn khác trong ngành thương mại. Họ từng mất tất cả bởi chiến tranh. Còn Koo In-hwoi cho đến trước thời điểm mở nhà máy sản xuất nhựa vẫn chỉ là một trong số hàng trăm người làm trong ngành sản xuất.

Dù ở thời kỳ nào, doanh nhân cũng luôn nhìn thấy cơ hội. Giữa các đợt sóng cao ập đến, ai cũng có thể bắt đầu đón nhận những thử thách mới cho riêng mình.

Jung Hyuk June / Alpha Books & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-ba-xuat-chung-han-quoc-tan-dung-co-hoi-ra-sao-de-but-pha-post1349418.html