Bộ 3 tác phẩm Những tù nhân của địa lý

Tại sao cả hai cuộc đại chiến thế giới đẫm máu thế kỷ XX, bom đạn không đụng đến nước Mỹ, ngược lại quốc gia này lại biến thành cơ hội làm giàu? Tại sao vùng Trung Đông luôn âm ỉ lò lửa chiến tranh chưa một ngày nào ngưng? Tại sao trên bản đồ, biên giới các nước châu Phi thẳng tắp một cách cơ học?… Vô số những câu hỏi tại sao ấy sẽ tìm được lời giải đáp hết sức thú vị trong bộ 3 tác phẩm Những tù nhân của địa lý (Prisoners of Geography) của Tim Marshall, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Truyền thông Nhã Nam xuất bản. Bộ 3 tác phẩm gồm: Những tù nhân của địa lý (năm 2016), Chia rẽ (năm 2018) và Quyền lực của địa lý (năm 2020).

Timothy John Marshall (sinh ngày 1-5-1959) là nhà văn, nhà báo người Anh chuyên về các vấn đề đối ngoại và ngoại giao quốc tế. Ông từng là biên tập viên cho Sky News, khách mời bình luận sự kiện thế giới cho BBC và người dẫn chương trình trên đài phát thanh LBC. Bằng dẫn chứng khách quan, nhãn quan cá nhân dựa trên sự hiểu biết thấu suốt, thông qua hệ thống bản đồ địa lý rộng khắp năm châu, tác giả đưa người đọc bước vào hành trình khám phá và trải nghiệm lịch sử - chính trị có một không hai. Ta sẽ hiểu những lựa chọn của các nhà lãnh đạo thế giới bị ảnh hưởng bởi núi non, sông suối, biển hồ ra sao? Tại sao các yếu tố địa lý lại có nghĩa là lịch sử luôn lặp lại?

Xuyên suốt cả bộ 3 tác phẩm này, Marshall khẳng định nhân loại bị giam hãm trong nhà tù địa lý mặc dù đang ráo riết với giấc mơ vươn vào không gian. Trong quá trình kiến giải vị trí, điều kiện địa lý có ảnh hưởng quyết định đến dòng chảy lịch sử, tác giả đưa ta đến những góc nhìn gần hơn, những lát cắt cận cảnh: Trong nhà tù địa lý đó, con người vẫn dựng lên rất nhiều bức tường chia rẽ các sắc tộc, quốc gia, tín ngưỡng tôn giáo, tư tưởng chính trị… Marshall cho rằng những bức tường ấy chỉ là phần nổi của sự chia rẽ, không phải là phần nguyên nhân. Tức là, những bức tường vật chất chỉ thể hiện sự chia rẽ vật chất mà chưa cho ta lời giải thích tại sao lại có sự chia rẽ đó. Ông viết: “Tuy nhiên, những sự chia rẽ vật chất này được phản ánh qua sự chia rẽ trong tâm trí - những ý tưởng lớn đã dẫn dắt nền văn minh của chúng ta và trao cho chúng ta bản sắc và một cảm nhận thuộc về nơi nào đó - chẳng hạn như cuộc đại ly giáo của Kitô giáo, sự chia rẽ của đạo Hồi thành Sunni và Shia”.

Nhà phê bình người Anh Nicholas Lezard đánh giá về tác phẩm Những tù nhân của địa lý: “Đây là một trong những cuốn sách hay nhất về địa chính trị, giống như một nguồn ánh sáng rọi vào tâm trí bạn… Marshall có cái đầu sáng suốt và sở hữu năng lực thần bí là làm cho bức tranh toàn cảnh trở nên dễ hiểu và mạch lạc… Cuốn sách bao quát một chủ đề phức tạp nhưng thật kinh ngạc là tôi đã không thể buông xuống cho tới khi đọc xong… Tôi không tìm ra một tác phẩm nào khác có thể giải thích tình hình thế giới hay hơn”.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202309/bo-3-tac-pham-nhung-tu-nhan-cua-dia-ly-c3941bc/