Bite Club - câu lạc bộ bạn chắc chắn không muốn tham gia

Quy tắc đầu tiên của 'Bite Club', câu lạc bộ mà chắc chắn bạn không muốn gia nhập, là trò chuyện với Dave Pearson. Ông lập Bite Club để kết nối hàng trăm người từng bị cá mập cắn.

Ông Pearson, 58 tuổi, cũng là một người sống sót sau khi bị cá mập tấn công. Ông đã suýt chết gần một thập kỷ trước sau khi bị một con cá mập cắn vào tay lúc đang lướt sóng ở bờ biển phía đông Australia.

Con cá mập dài 3 m kéo ông xuống đáy biển, rồi bỏ đi. Bạn bè kéo ông về lại bờ, và kể từ đó, ông đã giúp những người khác chống chọi với gánh nặng và sự sang chấn tâm lý của cơn “ác mộng” bị cá mập tấn công.

“Cuộc sống của tôi là chuỗi các vụ cá mập tấn công”, ông Pearson nói với AFP, người vẫn ướt đẫm sau một ngày lướt sóng ở chính bãi biển mà ông đã bị tấn công. “Mỗi khi có vụ cá mập tấn công ở đâu đó trên thế giới, tôi sẽ biết tin”.

 Bite Club được lập ra để hỗ trợ người sống sót sau khi bị cá mập tấn công. Ảnh: AFP.

Bite Club được lập ra để hỗ trợ người sống sót sau khi bị cá mập tấn công. Ảnh: AFP.

Cậu lạc bộ người bị cá mập cắn

Ông Pearson là người thành lập câu lạc bộ “Bite Club”, ban đầu là nhóm nhỏ những người sống sót sau khi chạm trán cá mập. Giờ đây, nhóm này bao gồm cả những nạn nhân bị chó, cá sấu, thậm chí là hà mã, tấn công.

400 thành viên của câu lạc bộ thường gặp nhau mỗi năm một lần. Một số nhóm nhỏ gặp nhau thường xuyên hơn để lướt sóng, trong khi những người còn lại giữ liên lạc qua mạng xã hội.

 Ông Pearson là người thành lập câu lạc bộ “Bite Club”. Ảnh: AFP.

Ông Pearson là người thành lập câu lạc bộ “Bite Club”. Ảnh: AFP.

Bite Club là một mạng lưới để các nạn nhân tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Ông Pearson cho biết mỗi tối, ông nói chuyện với ít nhất một thành viên Bite Club qua điện thoại.

Ngay từ những ngày còn nằm bệnh viện, ông nhận ra sức mạnh của việc nói chuyện được với người khác cũng từng trải qua nỗi kinh hoàng tương tự với mình. Tình cờ, một người bị cá mập cắn chỉ trước ông vài ngày cũng đang nằm cùng bệnh viện.

“Mọi người đều tới để chúc tôi điều tốt đẹp nhất, nhưng cho đến khi nói chuyện với Lisa, tôi nhận ra mọi người không thực sự hiểu những gì đã diễn ra trong đầu tôi”, ông nói với AFP.

Sự kinh hãi của việc bị cá mập cắn kèm theo sự chú ý của truyền thông có thể làm người sống sót, nạn nhân, người thân, và người giải cứu bị khiếp sợ nhiều năm liền, và trong một số trường hợp còn dẫn tới rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD), theo AFP.

Con trai 19 tuổi tên Zac của ông Kevin Young bị cá mập giết chết khi đang lướt sóng gần Coffs Harbour năm 2013. Khi đó, ông Young cảm thấy như bị một trận bão “nuốt chửng”.

 Ông Kevin Young có con trai thiệt mạng vì cá mập tấn công. Ảnh: AFP.

Ông Kevin Young có con trai thiệt mạng vì cá mập tấn công. Ảnh: AFP.

“Tôi ở trong mắt bão, và tôi cảm giác tôi vẫn ở đó cho tới giờ”, ông Young nói với AFP.

Con trai Zac của ông gần như bị đứt lìa đôi chân sau khi bị cắn, nhưng anh vẫn cố gắng bám lấy sự sống, và tự vẫy tay chèo mình về phía ba người bạn, tuổi 14, 15 và 19. Anh nói mình yêu các bạn, và cầu nguyện cho các bạn được an toàn khi con cá mập “sát thủ” đang bơi ở dưới.

Ba người bạn, bơi giữa làn nước đã chuyển hẳn sang màu đỏ vì máu của bạn mình, vẫn cố cõng Zac về bờ, mất tới gần nửa tiếng.

Bất chấp nỗ lực của ba người bạn, Zac đã không qua khỏi.

“Theo tôi thì ba cậu bé thực sự thành người lớn vào lúc đó”, ông Young nói. “Tôi mắc nợ chúng suốt đời về những gì mà chúng đã làm cho con trai tôi”.

Ảnh hưởng tâm lý

Cũng như Pearson, ông Young nói về nỗi đau của người khác trước khi nói về nỗi đau của mình. Ba người bạn đã cố gắng cứu Zac đều bị ảnh hưởng về tâm lý.

“Dù là vợ, chồng, con cái, bạn bè, hay những người ở cùng cộng đồng - có rất nhiều người bị ảnh hưởng”.

Ông Young coi công việc hỗ trợ cho câu lạc bộ là một vinh dự, nhằm giúp những người mà lẽ ra đã phải vật lộn một mình nếu không có ai hỗ trợ.

Một trong những người như vậy là Ray Short, bị cá mập cắn vào chân vào năm 1966, khi ông 13 tuổi và đang bơi gần Wollongong, Australia.

“Không có nhóm nào như thế khi tôi còn nhỏ. Được gặp và nghe chuyện các nạn nhân khác bị cá mập tấn công làm tôi thấy được an ủi”, ông Short nói với AFP. “Giờ đây có một nhóm có thể cùng ngồi lại và thông cảm với nhau”.

 Ray Short bị cá mập cắn vào chân vào năm 1966, khi ông 13 tuổi. Ảnh: AFP.

Ray Short bị cá mập cắn vào chân vào năm 1966, khi ông 13 tuổi. Ảnh: AFP.

Ông Pearson nói dù câu lạc bộ kết nối thường xuyên với nhau, quan điểm của các thành viên cũng khác nhau. Chẳng hạn, một số người có lập trường phản đối cá mập và cổ vũ việc giết chết cá mập, trong khi những người khác lại thiên về bảo tồn.

Tương tự, hành trình hồi phục của họ cũng khác nhau. Nhưng đa phần họ không từ bỏ việc đi biển.

“Lướt sóng đối với tôi đã khác, và trở nên đặc biệt hơn trước, vì tôi hiểu được hậu quả có thể như thế nào”, ông Pearson nói.

Ông Young nói ít nhất một trong ba người bạn của con trai ông không thể quay lại lướt sóng như trước. Nhưng “tất cả chúng tôi đều say mê lướt sóng - đó là nơi chúng tôi tìm được chính mình”.

Đa phần các thành viên không từ bỏ việc đi biển lướt sóng. Ảnh: AFP.

Đa phần các thành viên không từ bỏ việc đi biển lướt sóng. Ảnh: AFP.

Số vụ cá mập tấn công vẫn rất hiếm, nhưng năm ngoái là một năm khó khăn cho Bite Club, khi có thêm 7 người thiệt mạng trong 22 vụ tấn công trên khắp Australia. Do đó, Australia trở thành đất nước có nhiều vụ thiệt mạng vì cá mập nhất trên thế giới trong năm 2020.

“Tôi gặp khoảng bốn gia đình vào năm ngoái bị mất người thân, và thực sự rất khó”, ông Pearson nói với AFP. “Rất khó khăn vì mỗi vụ tấn công đều làm tôi nhớ lại lúc mình bị cắn”.

Ông Pearson nói vẫn sẽ làm việc hết sức để hỗ trợ các thành viên của mình, nhưng trên hết, ông muốn sẽ không có thêm người gia nhập Bite Club.

Trọng Thuấn

Theo AFP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bite-club-cau-lac-bo-ban-chac-chan-khong-muon-tham-gia-post1186627.html