Bình yên nơi ngã ba biên giới

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc biên giới ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. ẢNH: NGỌC DUNG

Ngã ba Đông Dương là điểm tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Nơi đây lưu dấu bao bước chân của du khách khắp mọi miền đất nước không chỉ bởi vị thế đặc biệt của vùng đất “một con gà gáy cả ba nước đều nghe” mà còn ở vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ cùng bao câu chuyện lắng đọng tình đất, tình người.

Đường lên cột mốc “ba biên”

Từ TP Kon Tum, chúng tôi chạy xe gần 80km trong tiết trời se lạnh, đi về phía tây dãy Trường Sơn để đến với cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Trên tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi đi qua địa danh Đắk Tô - Tân Cảnh, nơi quân ta từng phá vỡ toàn bộ trung tâm phòng ngự mạnh ngụy quyền Sài Gòn, giải phòng một vùng rộng lớn và làm đảo lộn thế bố trí phòng ngự của địch. Hơn 45 năm sau chiến tranh, bên dòng sông Pô Kô êm đềm, vùng “đất lửa” từng bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hóa học đã hồi sinh kỳ diệu.

Từ những hố bom ngày nào đã bật lên những vạt rừng, những vườn đồi cà phê, cao su xanh ngút mắt xen lẫn những mái nhà bình yên nằm dọc theo quốc lộ 14C. Chợt nhớ đến niềm vui ánh lên trên gương mặt anh Châu Ngọc Lân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi trong một cuộc gặp mới đây. Anh cho biết: “Ngọc Hồi là một trong ba khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Kon Tum”. Nơi đây có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm trên hành lang kinh tế Ðông - Tây, là trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Với sự hướng dẫn của những người lính ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chúng tôi cùng đoàn cán bộ huyện Ngọc Hồi đến cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Không giống như hình dung của nhiều người, quãng đường lên cột mốc biên giới khá thuận lợi. Con đường đất đỏ gần 10km uốn lượn quanh những ngọn đồi từ xã Bờ Y lên cột mốc trước đây đã được bê tông nhựa phẳng lỳ. Kon Tum mùa này, hai bên đường không chỉ có núi đồi, đồng cỏ mà còn có những triền lau trắng, những vạt cỏ đuôi chồn, hoa xuyến chi, dã quỳ vàng rực xôn xao trong gió đại ngàn.

Cảm giác thấm mệt khi vượt qua 120 bậc thang từ chân cột mốc lên đến đỉnh Đồi Tròn bỗng chốc tan biến khi chúng tôi nhìn thấy cột mốc ngã ba Đông Dương hiện ra trước mặt. Cột mốc được đặt trên đỉnh đồi cao 1.068m so với mực nước biển nằm giữa ranh giới 3 tỉnh Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Campuchia) có hình trụ tam giác, ốp đá hoa cương, mỗi mặt đều trang trọng khắc quốc huy và tên 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia.

Thượng úy Trần Đình Mạn (Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y) cho biết, tại khu vực ngã ba biên giới thường xuyên diễn ra hoạt động tuần tra chung giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia để tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của ba nước, bảo vệ đường biên, giữ gìn trật tự an toàn trong khu vực.

Đứng bên cột mốc trong một chiều tà chập chùng sương giữa bao la núi rừng trùng điệp, chúng tôi không khỏi xốn xang, bồi hồi khi nhìn những mái nhà nhỏ bình yên ở góc trời biên cương mờ dần giữa những sóng núi xanh thẳm đến tận chân trời.

Tình hữu nghị bền chặt

Xã biên giới Bờ Y có 17 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Bana, Mường, Dao, Brâu, Ca Doong, Giẻ -Triêng, Pa Thiên… cùng sinh sống, tạo thành bức tranh văn hóa đa sắc màu ở ngã ba Đông Dương.

Đến nơi này, chúng tôi được nghe về hành trình di cư của người Brâu - một trong năm dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, đang sống trong ngôi làng Đắk Mế. Người Brâu trên vùng cao nguyên này có gốc gác từ bên kia biên giới Nam Lào và Bắc Campuchia.

Du khách chụp ảnh với cây hữu nghị của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại khu vực cột mốc biên giới. ẢNH: NGỌC DUNG

Những năm tháng chiến tranh, loạn lạc, một số người xuôi về chân núi Bờ Y, người thì ngược lên miền thượng Lào, người lại qua Campuchia sinh sống. Mấy chục năm trước, những người lính biên phòng Bờ Y lặn lội vào rừng sâu để vận động người Brâu về xã, rồi giúp bà con lập làng, xây nhà, phát triển sản xuất... Cùng với việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển của Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh Kon Tum và địa phương, đời sống của người Brâu đang từng ngày khởi sắc.

Hơn 12 năm kể từ khi cột mốc được xây dựng đến nay, nơi đây lưu dấu bao bước chân của du khách trong và ngoài nước. Người ta đến đây không chỉ bởi vị thế đặc biệt của vùng đất “một con gà gáy cả ba nước đều nghe” mà còn bị thu hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ.

Trong những năm qua, với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận nỗ lực của người dân, bộ mặt Bờ Y ngày càng thay đổi. Bờ Y được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Chủ tịch UBND xã Bờ Y Nguyễn Duy Cường phấn khởi chia sẻ về hành trình đổi thay của xã nhà.

Nói về những đổi thay này, chị Nàng Mỹ Anh ở thôn Đắc Mế, tươi cười: “Trong làng bây giờ trẻ em được đến trường. Nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc. Tất cả nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và bộ đội đấy…”. Được biết, chồng Mỹ Anh là anh Đa Ra Ban Mo, người ở tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Chuyện tình của họ được nhiều người biết đến, bởi đây là chuyện tình đẹp, không biên giới. Ở Bờ Y, không chỉ có vợ chồng Mỹ Anh mà chúng tôi còn gặp nhiều đôi vợ chồng Việt - Lào, Việt - Campuchia. Chính những chuyện tình không biên giới và mối liên kết cội nguồn của người Brâu trên vùng đất giáp biên đã góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt, trở thành biểu tượng đẹp của vùng đất ngã ba Đông Dương này.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/234081/binh-yen-noi-nga-ba-bien-gioi.html