Bình Thuận kiên quyết với tàu cá '3 không'

Thời gian qua, Bình Thuận đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Hướng ngư dân làm tốt công tác 3 không

Ông Ngô Văn Khanh ở huyện đảo Phú Quý cho biết: "Bên biên phòng tuyên truyền rất nhiều về biển đảo, về khai thác chống IUU. Chúng tôi đi đúng pháp luật của Nhà nước, không xâm phạm lãnh hải nước ngoài".

Lực lượng biên phòng kiểm tra các thủ tục giấy tờ liên quan trước khi cho tàu xuất bến. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Ông Huỳnh Hương ở huyện đảo Phú Quý trước khi cho tàu xuất bến ra khơi cho biết: "Cán bộ biên phòng thường xuyên gặp bà con ngư dân trao đổi thông tin trên biển. Mình chỉ đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, còn biên giới biển với các nước thì không nên xâm phạm".

Huyện đảo Phú Quý là địa phương có nhiều tàu cá nhất tỉnh, với 1.675 chiếc tàu cá, trong đó 137 tàu làm dịch vụ hậu cần. Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện 3 tàu cá huyện Phú Quý có biểu hiện đi khai thác tại vùng biển nước ngoài và đã ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định.

Các lực lượng biên phòng, kiểm ngư tiếp tục duy trì nghiêm hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và tại cảng cá.

Cảng Phú Quý tấp nập người ra vào khi tàu cập bến. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Trung tá Nguyễn Minh Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý cho biết, trước khi cho tàu xuất bến phải kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ, phải có cam kết không đánh bắt xâm phạm lãnh hải nước ngoài và thực hiện tốt các hành vi chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định): "Hằng năm ngoài việc phối hợp với các ban ngành của huyện, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận tổ chức tuyên truyền cho bà con nắm rõ và thực hiện. Năm 2023 cho đến nay, chúng tôi phối hợp trạm kiểm ngư khu vực Phú Quý tăng cường công tác tuần tra để hướng cho bà con làm tốt với công tác 3 không".

Thời gian qua, Bình Thuận đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân, nhất là đối với thuyền trưởng, chủ tàu cá. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức 1.744 buổi tuyên truyền, tập huấn phổ biến pháp luật cho hơn 160.308 lượt chủ tàu và thuyền trưởng, vận động ngư dân tự giác không khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng còn tăng cường xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản, nhất là vi phạm về IUU. Từ năm 2018 đến 2023 đã xử phạt vi phạm hành chính 3.346 vụ với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Nhờ vậy, số trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm.

Tàu thuyền neo đậu tại eo biển Mũi Né, TP. Phan Thiết. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, từ tháng 1/2018 đến tháng 2/2024, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ với 24 tàu cá và 172 lao động vi phạm bị nước ngoài bắt giữ (giảm 32 vụ với 46 tàu và 527 lao động so với giai đoạn 2011 - 2017).

Siết chặt tàu cá “3 không”

Ông Huỳnh Văn Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận) cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác chống khai thác IUU trên địa bàn, nhất là các tàu không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép (tàu 3 không): "Chúng tôi rất quan tâm đến các tàu lắp thiết bị giám sát hành trình mà mất kết nối thường xuyên trên biển, chỉ đạo cho các trạm kiểm ngư tăng cường xử lý xử phạt và nhắc nhở bà con, khi đi về trên biển hay đang hoạt động trên biển thì phải mở thiết bị giám sát hành trình 24/24h. Đặc biệt lưu ý những tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, sát với ranh giới cho phép, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo và kêu gọi bà con quay về với vùng biển Việt Nam".

Ngư dân Ngô Văn Khanh, bộ đội biên phòng cùng cán bộ ngành nông nghiệp huyện đảo Phú Quý đang trao đổi thông tin liên quan công tác chống khai thác IUU. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp rà soát, lập danh sách 92 tàu cá nằm trong diện nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài để đưa vào diện giám sát đặc biệt, phân công 46 cán bộ phụ trách số tàu cá trên.

Đại tá Đinh Văn Sáu, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, để làm tốt công tác chống khai thác IUU, thời gian qua, biên phòng tỉnh đã thực hiện mô hình phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình ở nơi cư trú để nắm thông tin từ cơ sở, những phương tiện nào, chủ tàu nào có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

"Kết hợp với ngành thủy sản rà soát lại các phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn, đặc biệt là các phương tiện thường xuyên khai thác hải sản ngoài phạm vi của tỉnh để kết hợp với các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam, để quản lý số phương tiện trong và ngoài tỉnh khai thác hải sản kịp thời", Đại tá Đinh Văn Sáu chia sẻ.

Bình Thuận hiện có 7.861 tàu cá với hơn 44.500 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến cuối năm 2023, có 5.997 trong tổng số 7.861 tàu cá đã đăng ký, cập nhật vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, đạt trên 76%; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 5.321 chiếc, đạt trên 88%; 3.231 tàu trong tổng số 3.903 tàu từ 12 mét trở lên còn hạn đăng kiểm, đạt hơn 82%; 1.948 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100%.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận trong việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, qua đó góp phần cùng với cả nước quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá bền vững trong thời gian tới.

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/binh-thuan-kien-quyet-voi-tau-ca-3-khong-post1090412.vov