Bình Phước: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa VI, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Bình Phước qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Phước có 41 thành phần dân tộc từ mọi miền đất nước về sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, tạo nên đời sống văn hóa vùng, miền vô cùng phong phú, đa dạng, vừa có những đặc tính chung của người Việt Nam, vừa có sắc thái riêng của người Bình Phước. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, tỉnh Bình Phước luôn có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng - an ninh, nhiều địa danh, di tích lịch sử văn hóa và chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, Nhân dân Bình Phước. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa VI, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Bình Phước qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 30/10/1998, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Trong đó, chú trọng xây dựng các phong trào, cuộc vận động về phát triển văn hóa thiết thực, phù hợp và đạt được những kết quả phấn khởi.

Nhằm tuyên truyền, phổ biến những nội dung cốt lõi của nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh một cách phù hợp, nghiêm túc, ngày 6/8/2014, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết cho các đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh bằng hình thức trực tiếp, đồng thời tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Bình Phước. Các huyện, thị, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch học tập cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong quần chúng nhân dân ở địa phương, đơn vị mình.

Sau khi triển khai học tập từ tỉnh đến cơ sở, ngày 13/11/2014 Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 42-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó, xác định mục tiêu chung của Chương trình là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển toàn diện, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Chăm lo xây dựng con người Bình Phước có nhân cách, có lối sống tốt đẹp, yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện có tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống văn hóa theo phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; giáo dục lịch sử văn hóa địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu đóng góp dự thảo kế hoạch tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội, nhiều di tích lịch sử, văn hóa được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Đến năm 2022, Bình Phước có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 43 di tích được xếp hạng (5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 26 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh). Các di tích văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng giữ gìn, phát huy. Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn cồng chiêng, lễ hội té nước cầu mưa, cầu phước, hát múa lâm thôn, lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer được duy trì, góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện đang có nguy cơ mai một. Các làng nghề, dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch đã bước đầu được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm về du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch của địa phương. Tỉnh đã tổ chức khánh thành giai đoạn I và đưa vào khai thác Khu bảo tồn văn hóa, dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo, Khu di tích Mộ 3.000 người, Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết), Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá...

Các cấp, các ngành, địa phương quan tâm xây dựng nhiều mô hình thiết thực như: “tình nguyện hiến máu nhân đạo”, “thi đua quyết thắng”, “ngày vì người nghèo”. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, trở thành hoạt động thường xuyên ở cộng đồng dân cư. Giai đoạn 2003-2022, toàn tỉnh đã đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được trên 311 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao được 12.811 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; hỗ trợ tiếp theo Chương trình 167 với 1.062 căn nhà, sửa chữa và nâng cấp 593 căn nhà tình thương và xây dựng 43 công trình dân sinh. Ngoài ra, UBMTTQVN các cấp đã vận động xây mới và sửa chữa 1.476 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công khó khăn về nhà ở; trong đó, có 700 căn theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; UBMTTQVN các cấp đã tặng hàng ngàn phần quà với số tiền 28 tỷ 595 triệu đồng và hàng trăm sổ tiết kiệm, góp phần chăm sóc gia đình chính sách và người có công ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư; các hoạt động hội thi, hội diễn được tổ chức hằng năm đang từng bước trở thành hoạt động truyền thống của các khu phố, ấp vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao cũng có những chuyển biến rõ rệt; nhiều câu lạc bộ, sân tập thể thao do nhân dân tự xây dựng và vận hành. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 66/86 “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 19/25 “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. 230.968/240.753 được công nhận gia đình văn hóa (đạt 95,93%). 823/843 được công nhận “khu phố, thôn, ấp văn hóa” (đạt 97,62%). 1.168/1.188 được công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27-CT/TW và Kết luận số 51-KL/TW của Trung ương trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% thôn, ấp, khu phố đã xây dựng được hương ước, quy ước có nội dung lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; góp phần tích cực trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, đồng thời góp phần hỗ trợ quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở.

Nhìn chung, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức về văn hóa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân từng bước được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh dần đi vào chiều sâu, phát huy được tính tích cực, sáng tạo và đoàn kết của nhân dân. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú; các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội từng bước thấm sâu vào ý thức của người dân, hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn và đầy lùi. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, thông tin truyền thông có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Nhiều phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ đạt được những kết quả thiết thực, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được khôi phục và phát huy. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao ở địa phương. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh, bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Một số hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng kịp thời so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa đủ sức để tác động có hiệu quả trong việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật còn thiếu các tác phẩm có giá trị cao. Chưa có sự đầu tư tương xứng giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, mặt trận và các đoàn thể cần phải quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong sự nghiệp văn hóa đối với đời sống xã hội. Hằng năm, phải kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện, đồng thời triển khai và quán triệt một cách nghiêm túc có hiệu quả. Cần phải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và các chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng.

Quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách quản lý đầu tư về văn hóa, các hình thức tổ chức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp từ huyện đến cơ sở. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm gắn liền với công tác thi đua khen thưởng để động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân điển hình đã có nhiều thành tích xuất sắc trong trong xây dựng, phát triển văn hóa.

Tăng cường đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Xem văn hóa là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và hiệu quả với phát triển văn hóa; xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ trong đó chú trọng việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Tạo cơ chế phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành liên quan, các chính sách về văn hóa và thiết chế văn hóa.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; phát huy dân chủ, khơi dậy ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác của cán bộ công chức, viên chức, huy động tiềm năng to lớn của nhân dân trong việc hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa. Tổ chức và quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, chú trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn xã hội và những hiện tượng tiêu cực.

Coi trọng phát huy văn hóa gia đình, chú trọng giáo dục thế hệ trẻ bằng sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu và động lực phát triển quan trọng theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025”. Chú trọng phát triển văn hóa để trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, con người được đặt vào vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển…

Chú trọng, tiếp tục tập trung phổ biến, quán triệt quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 -2025 và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (các khóa XI, XII, XIII).

Nâng cao chất lượng toàn diện việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa thông qua đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, cụ thể hóa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Duy trì công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; khuyến khích tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn nghề truyền thống. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, kiểm tra thường xuyên nhằm chấn chỉnh kịp thời các hoạt động, dịch vụ văn hóa không lành mạnh, gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa. Chỉ đạo các cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Nâng cao văn hóa ứng xử trong Đảng, đề cao tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức, lối sống. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến trong nhận thức, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Bảo đảm hoạt động văn hóa phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng.

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa; có chế độ đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa. Đầu tư từ cơ sở vật chất, đến các hoạt động, tổ chức các sự kiện văn hóa phục vụ cộng đồng. Quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, văn nghệ ở cấp tỉnh, huyện và xã…

Minh An

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xay-dung-he-gia-tri-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam/binh-phuoc-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-145820