Bình Phước: Quyết tâm phòng chống tội phạm đa dạng sinh học

Thời gian qua, Bình Phước đã có nhiều cá nhân tự nguyện giao nộp lại cho lực lượng kiểm lâm khi phát hiện động vật hoang dã tại rẫy, vườn nhà.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Phước thường xuyên bắt giữ các vụ việc liên quan tới mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.

Điển hình như vào tháng 7/2023, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Đồng Xoài cùng Công an phường Tân Thiện đã tuần tra phát hiện một đối tượng có hành vi nghi vấn nên dừng xe kiểm tra. Đối tượng đang chở theo 1 cá thể tê tê còn sống, cân nặng 7,7kg. Đối tượng là Nguyền Thị Hà (trú Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) khai nhận đi làm rẫy bắt được con tê tê. Hà biết đây là động vật hoang dã quý hiếm nếu cất giấu và mang về Bình Phước bán. Trên đường đi tiêu thụ, đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Cũng trong thời gian này, Công an Thành phố Đồng Xoài cùng lực lượng công an phường Tân Xuân bắt giữ đối tượng Bùi Công Thành (trú tại Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) điều kiển xe mô tô chở theo một bao xác rắn. Lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra. Trong bao xác rắn đựng 1 cá thể tê tê có trọng lượng 6,8kg. Thành khai nhận mua tê tê của một người dân với giá 3,9 triệu đồng và đang trên đường mang đi tiêu thụ bán kiếm lời.

Một góc tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phương Anh.

Trước tình trạng mua bán động vật hoang dã trái phép, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các huyện Đồng Phú, Bù Đăng (giáp ranh với Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh (giáp biên giới Campuchia) tập trung tuyên truyền về các hành vi nghiêm cấm săn bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Đa dạng sinh học.

Ngoài động vật hoang dã được thu giữ thả về tự nhiên, nhiều người dân tại Bình Phước cũng thay đổi nhận thức khi họ đi làm rẫy bắt được động vật hoang dã và mang tới giao nộp cho lực lượng kiểm lâm để thả về rừng. Ví dụ như trường hợp anh Phạm Anh Hùng (trú tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) trong khi đi cạo mủ cao su bắt được một con Diều hoa nặng 2,5kg. Anh Hùng mang về nhà chăm sóc. Qua tìm hiểu trên mạng, biết đây là Diều hoa Miến Điện - một động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nằm trong Sách đỏ cần được bảo tồn, anh Hùng lập tức liên hệ với Công an thị trấn Tân Phú và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú với mong muốn thả Diều hoa này về với môi trường sống thiên nhiên.

Hay trường hợp của em Mã Đoàn Nhật Thiên (15 tuổi, ngụ thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) khi mở cửa sau nhà phát hiện một loài động vật lạ đang bò từ vườn vào khu vực nhà bếp.
Sau khi lên mạng tìm hiểu xem con gì và biết được đây là loài động vật nguy cấp, quý hiếm, không được phép nuôi, nhốt, buôn bán nên em Thiên đã gọi điện trình báo UBND xã Đức Liễu để bàn giao lại. Sau đó, Hạt kiểm lâm huyện Bù Đăng đã tiếp nhận và xác định đây là cá thể tê tê (Manis Java nica) có trọng lượng 1,15kg, thuộc loài động vật rừng quý, hiếm thuộc Nhóm IB

Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch 167/2023 về việc thực hiện đề án Tăng cường phòng, chống, tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bình Phước đưa ra các giải pháp như tăng cường nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cán bộ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Công tác tuyên truyền đặc biệt được chú trọng, thành lập các tổ công tác về bảo vệ động vật hoang dã, thực vật quý hiếm, nguồn gen quý.
Tuyên truyền cho người dân không tự ý khai thác dược liệu trong rừng, không săn bắt động vật hoang dã về bán, làm thịt hay làm thuốc chữa bệnh, trang sức.

Các cấp thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách về phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành động liên quan tới việc mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã, thực vật quý hiếm.

UBND tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh, Công an tỉnh tăng cường phối hợp thông tin, thường xuyên rà soát, tuần tra các điểm nóng về tội phạm đa dạng sinh học. Xử lý vi phạm theo lĩnh vực được phân công liên quan tới đa dạng sinh học. Qua đó, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào thực hiện bảo tồn và phòng chống tội phạm có liên quan tới hành vi vi phạm về đa dạng sinh học.
Phương Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/binh-phuoc-quyet-tam-phong-chong-toi-pham-da-dang-sinh-hoc-2223954.html