Bình Phước hút vốn FDI bằng 'nền tảng 4 tốt'

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước. Cũng trong năm 2023, Bình Phước lần đầu có mặt trong nhóm các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn trong nước, đứng thứ 13/63.

Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Phước tặng hoa các nhà tài trợ Diễn đàn kết nối doanh nghiệp EuroCham 2024.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bình Phước đón nhận dự án FDI có tổng vốn đăng ký lên đến 500 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay. Bà TRẦN TUỆ HIỀN (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chia sẻ với phóng viên ĐTTC về những thành tích này.

PHÓNG VIÊN: - Xin bà giới thiệu sơ nét về tình hình và kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Phước những năm gần đây?

Bà TRẦN TUỆ HIỀN: - Trong 3 năm gần đây (2021-2023), tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước có nhiều khởi sắc, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI với 146 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,5 tỷ USD, bằng 35,6% về số dự án và 35,17% về số vốn đầu tư FDI thu hút được sau 27 năm tái lập tỉnh.

Riêng năm 2023, tỉnh đã thu hút được 48 dự án với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 824 triệu USD, tăng 32,4% về số dự án và gấp 5,3 lần về số vốn so với năm 2022, đạt 275% so với kế hoạch năm 2023. Lũy kế đến hết năm 2023, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 410 dự án, với vốn đầu tư là 4,245 tỷ USD.

- Trong số các dự án FDI đầu tư vào tỉnh, có 2 dự án với số vốn đầu tư lớn là dự án về chăn nuôi và dự án sản xuất lốp xe từ cao su, bà có thể nói rõ thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án này mang lại cho địa phương?

- Trong số 410 dự án FDI tỉnh thu hút, đáng chú ý có 2 dự án có quy mô rất lớn. Đó là dự án chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, quy mô 170.400 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 110 triệu USD của Công ty TNHH CPV FOOD tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước.

Hiện tại dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Trung Đông. Dự án góp phần tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh; hàng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.200 lao động, nộp ngân sách khoảng 76 tỷ đồng.

Kế đến là dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Công ty TNHH Haohua (Việt Nam), quy mô 14,4 triệu bộ lốp xe/năm, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico.

Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến quý IV-2025 đi vào hoạt động sẽ góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm mủ cao su rất dồi dào của tỉnh. Dự kiến hàng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động, sản lượng đạt khoảng 770 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng.

- Dù ghi nhận được những kết quả đáng khích lệ, nhưng thu hút FDI Bình Phước vẫn còn khá khiêm tốn so với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vậy Bình Phước sẽ có những chính sách gì nhằm thu hút nhiều hơn nữa các FDI?

- Bình Phước có lợi thế là trong số 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 5 huyện thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư và 5 huyện, thị xã thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, đầu tư vào các khu công nghiệp cũng thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Khi đầu tư vào tỉnh Bình Phước, tùy theo địa bàn và ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, đối với thuế nhập khẩu, Bình Phước sẽ miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Các thành viên ban tổ chức chủ trì diễn đàn kết nối EuroCham - Bình Phước 2024.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư mức cao nhất là miễn thuế 4 năm và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo, áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 10% áp dụng trong thời hạn 15 năm. Mức thấp nhất là miễn thuế 2 năm và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo, áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 17% áp dụng trong thời hạn 10 năm. Đối với tiền thuê đất (ngoài khu công nghiệp), mức cao nhất là miễn toàn bộ tiền thuê đất. Mức thấp nhất là miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa 3 năm).

- Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư kể trên, Bình Phước đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm thủ tục hành chính. Bà có thể nói rõ hơn về hoạt động này?

- Hiện có hơn 80% thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Với cách làm này, thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ. Đặc biệt, Bình Phước đang thực hiện phương châm “nền tảng 4 tốt”. Đó là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt.

- Được biết, ngày 12-3 vừa qua, Bình Phước đã tổ chức Diễn đàn kết nối đầu tư với các doanh nghiệp EuroCham. Vậy tỉnh kỳ vọng gì từ diễn đàn này?

- Diễn đàn có sự tham sự của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của EuroCham, như: Heineken, De Heus, Big Dutchman, Phileo by Lesaffre, Kilimo, Logwin Air and Ocean, Stolz Asia, The Fruit Republic, Biodevas, Lallemand, Hung Nhon Aust Export.

Đây là sự kiện mang tính quốc tế lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Bình Phước, là cơ hội để chúng tôi giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của địa phương. Qua đó, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xin cảm ơn bà.

VĂN PHONG (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/binh-phuoc-hut-von-fdi-bang-nen-tang-4-tot-post112802.html