Bình Dương: Tăng tốc nhờ môi trường đầu tư linh hoạt và quản lý thông minh

Năm 2024, Bình Dương đề ra những chỉ tiêu quan trọng như phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế từ 9-10%, thu ngân sách đạt 71.600 tỷ đồng, và bố trí 22.000 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư phát triển.

Một góc đô thị đổi mới phát triển nhanh tại thành phố mới tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Một góc đô thị đổi mới phát triển nhanh tại thành phố mới tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

“Năm 2024, tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu đột phá và tăng tốc mạnh mẽ, đặc biệt tạo ra một môi trường đầu tư linh hoạt, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh để thúc đẩy sự đột phá và phát triển.” Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi tại Hội nghị tỉnh Đảng bộ đánh giá về kinh tế-xã hội năm 2023 vừa qua.

Tăng tốc mạnh mẽ

Năm 2024, Bình Dương đề ra những chỉ tiêu quan trọng như phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế từ 9-10%, thu ngân sách đạt 71.600 tỷ đồng, và bố trí 22.000 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho xây dựng hạ tầng, Chuyển đổi Số, bồi dưỡng nhân lực, khuyến học và khuyến tài.

Trong số đó, tập trung những mục tiêu cụ thể như thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào các dự án chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông, công viên, cây xanh, cũng như giải quyết các khó khăn trong thị trường bất động sản.

Về lĩnh vực công nghiệp và khoa học công nghệ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề xuất phát triển tổ hợp công nghiệp tại huyện Bàu Bàng, đầu tư Cụm công nghiệp khoảng 1.500 ha để di dời các nhà máy ở phía Nam lên phía Bắc, và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ 4.0.

“Thời gian tới đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, triển khai hiệu quả Đề án nhà ở xã hội giai đoạn 2023-2030, và khu công nghệ với mô hình mạng 5G; tập trung đầu tư chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, cũng như thúc đẩy hoạt động cải cách thủ tục hành chính để thích ứng với xu thế phát triển nhanh của tỉnh,” Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, năm 2023, "thủ phủ" công nghiệp Bình Dương đã vượt qua một năm đầy khó khăn và thách thức khi doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, công nhân và người lao động gặp khó khăn với giảm giờ làm, mất việc làm, cùng với sự giảm thu nhập.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy và sự điều hành quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, cộng với nỗ lực, sự đoàn kết và phối hợp kịp thời, chặt chẽ, đã tạo ra hiệu quả tích cực trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, các giải pháp đã được triển khai một cách đồng bộ để vượt qua những điểm điểm nghẽn khó khăn, đưa quỹ đạo kinh tế về đích tăng trưởng (GRDP) 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/năm, hệ thống an sinh xã hội đã được đảm bảo, mang lại một bức tranh lạc quan trước thềm năm mới.

Có 17/20 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch năm. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; duy trì xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7%.

Thu ngân sách 73.257 tỷ đồng, đạt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10% so với năm 2022; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 102,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút 75.767 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (giảm 2,8% so với cùng kỳ) và gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư đạt kế hoạch năm.

 Công nhân làm khuôn nhựa sản xuất giày da tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Công nhân làm khuôn nhựa sản xuất giày da tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, tính đến cuối tháng 11 giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 12.517 tỷ đồng, đạt 57,4% kế hoạch. Đây là mức giải ngân cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là lần đầu tiên giải ngân hết số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ trong hơn 10 tháng thực hiện. Ước giải ngân cả năm đạt trên 95% kế hoạch tỉnh giao và bằng 170% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín, hoạt động kinh tế trong chuỗi hệ thống khu công nghiệp năm 2023 cho thấy về sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 25 tỷ USD, giảm 13,34% so với cùng kỳ và đạt 83,73% kế hoạch năm; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 24 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 96,04%), giảm 9,01% so với cùng kỳ, khu vực trong nước đạt 996 triệu USD (chiếm tỷ lệ 3,96%), giảm 8,43% so với cùng kỳ. Về thuế và các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp 521 triệu USD, giảm 7,62% so với cùng kỳ và đạt 69,51% kế hoạch năm.

Các hoạt động thương mại và dịch vụ đã phục hồi nhanh chóng, tạo đà tích cực cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế. Xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, nhưng vẫn duy trì mức ổn định, thể hiện sự chủ động và linh hoạt của tỉnh trong điều chỉnh kế hoạch kinh tế.

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, với vị trí của một tỉnh công nghiệp nằm trong hệ thống phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, năm 2023 Bình Dương đối diện với nhiều thách thức kinh tế.

Tuy nhiên, trong năm qua Bình Dương đã chứng kiến sự tăng cao trong giá trị đầu tư toàn xã hội khi đạt 164.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Đầu tư nước ngoài cũng thu hút được vốn đúng kế hoạch, đóng góp vào sự đa dạng hóa kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước đã vượt lên trên nguồn vốn FDI. Điều này là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ sức mạnh và nội lực của các doanh nghiệp trong nước đã trưởng thành và có khả năng thu hút và mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp nội địa.

Một điểm đáng quan tâm hơn, vốn đầu tư từ khu vực công chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 6,7% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, điều này thể hiện rằng Bình Dương đã thành công trong việc huy động các nguồn lực và các thành phần kinh tế khác tham gia mạnh mẽ vào thị trường của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thành Trọng, năm 2024 vẫn còn nhiều trăn trở, cụ thể là việc cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong quản lý, nhất là đối với lãnh đạo và người đứng đầu; việc tối ưu hóa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và giải quyết nhanh các yêu cầu của doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Trọng cho rằng, việc áp dụng hiệu quả Nghị định số 73/2023 Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không chỉ là một hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp mà còn là động lực để tạo ra môi trường kinh doanh tích cực và thuận lợi, giúp Bình Dương thực sự "cởi trói" và phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, năm 2023 tổng giá trị xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD. Mặc dù đã đạt con số ấn tượng, nhưng ông Xô lưu ý rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến sự giảm giá trị xuất khẩu.

Ông Xô cho rằng việc giải quyết vấn đề đơn hàng và tăng cường chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Một điểm ông Xô lưu ý là hệ thống logistics và việc ảnh hưởng của thực trạng giao thông rất đáng lo ngại. Giải quyết vấn đề này sẽ là yếu tố quan trọng để đưa xuất khẩu trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

 Một góc nhà máy Lego đang xây dựng tại KCN VSIP III tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Một góc nhà máy Lego đang xây dựng tại KCN VSIP III tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng thời, ông Xô đề nghị chính quyền tiếp tục thiện hạ tầng vận chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Những đề xuất này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn ngắn hạn mà còn góp phần vào sự bền vững và phát triển của ngành xuất khẩu tại Bình Dương trong thời gian tới.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Bình Dương đã vươn lên và tạo ra những bước tiến tích cực trong năm 2023. Trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen, tỉnh đang đặt ra quy trình quản lý linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới.

Năm 2024, với những phương hướng nhiệm vụ được đề ra, Bình Dương vẫn xác định là trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước, là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, thời gian tới, tình hình quốc tế và khu vực vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục nắm chắc tình hình, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, chủ động, kịp thời thích ứng, hành động tích cực, hiệu quả hơn; tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, khơi thông các nguồn lực, xử lý hiệu quả các vướng mắc; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách mới và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương chia sẻ, tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy chủ trương “trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư, "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài từ thời tỉnh Sông Bé cũ đến nay.

Năm tới tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc gắn với kết nối với doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy tăng trưởng; thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra, tiết kiệm tối đa các khoản chi; tích cực chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng; cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ và phát triển đô thị mới theo đúng quy hoạch tích hợp của tỉnh, tạo bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp, là nơi nghĩa tình và đáng sống.

Với tâm huyết và quyết tâm cao nhất, tỉnh sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp để khơi thông “đòn bẩy” tăng tốc kinh tế trong năm 2024. Một số giải pháp đặc biệt của tỉnh tập trung vào việc định hình mình thành một trung tâm công nghiệp thông minh và hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số sẽ giúp tăng cường sự cạnh tranh và hiệu suất sản xuất; tạo các chính sách và chương trình khuyến khích sự sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, năm tới tỉnh xác định kế hoạch ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông và tăng cường kết nối giữa các khu vực công nghiệp và đô thị, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý về giao thông và vận tải sẽ giúp tối ưu hóa luồng hàng hóa và giảm thời gian di chuyển.

Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hướng xanh và bền vững, triển khai áp dụng các chính sách thuế và khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tập trung vào sản xuất xanh sạch và bền vững cũng sẽ giúp Bình Dương giữ vững hình ảnh của một địa điểm sản xuất chất lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/binh-duong-tang-toc-nho-moi-truong-dau-tu-linh-hoat-va-quan-ly-thong-minh-post917158.vnp