Bình Dương: Năm 2025 sẽ phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

Từ ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh Bình Dương không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bình Dương đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Bình Dương thực hiện đồng loạt các giải pháp cho mục tiêu phân loại rác tại nguồn.

5 nhóm nhiệm vụ chính

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kể từ ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để chuẩn bị thực hiện phân loại rác tại nguồn từ ngày 31/12/2024, tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND về quy định bảo vệ môi trường, trong đó vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt được quy định là việc bắt buộc.

Cùng với đó, Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại Quyết định 1734/QĐ-UBND ngày 04/07/2023.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bình Dương đã xây dựng phương án và lộ trình cụ thể.

Nội dung chính của Kế hoạch tập trung việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, đưa ra lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp trong công tác thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cho biết, đã thực hiện hoàn thành giai đoạn thí điểm, qua đó bước đầu hình thành thói quen nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác, hướng đến mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, năm 2023, Bình Dương đã ban hành chương trình, kế hoạch, các dự án, mô hình thu gom, tập kết; Xây dựng tài liệu tuyên truyền, chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên; Quy hoạch được điểm tập kết… đó là tiền đề để Bình Dương “mạnh tay” trong phân loại rác tại nguồn.

Bà Nguyễn Ngọc Thúy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết: Năm 2024, Bình Dương sẽ tập trung vào kiện toàn hệ thống thu gom vận chuyển, xử lý đảm bảo theo quy định cũng như xây dựng đào tạo đội ngũ thu gom đáp ứng theo yêu cầu; Kiện toàn mạng lưới tần suất thu gom; Đưa vào sử dụng các điểm tập kết đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom vận chuyển xử lý theo quy định của luật mới; Nghiên cứu đưa ra hình thức bao bì phù hợp, thống nhất để áp dụng toàn tỉnh.

Bình Dương đã đặt ra mục tiêu đặt ra trong năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn các xã, phường, thị trấn được phân loại tại nguồn theo quy định. Trong đó, tỷ lệ phân loại đúng quy định đạt 50% trở lên… Bà Thúy cho biết thêm.

Thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp

Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, khi lập tất cả các đồ án từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết bắt buộc phải có vị trí, điểm thu gom tập kết để vận chuyển rác trên địa bàn. Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương trong kỳ rà soát, cập nhật điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Để năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn cần thực hiện đồng loạt các giải pháp.

Hiện nay, 3 địa phương của Bình Dương đã có quy hoạch chung (Tân Uyên, Thuận An, Bến Cát). Từ đó, các địa phương rà soát từng khu vực, phân khu trên địa bàn và dựa vào cơ sở dân số, hộ gia đình, nhu cầu về rác trên địa bàn để đưa vào cập nhật bổ sung, các vị trí về điểm tập kết cũng như trạm trung chuyển rác trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải tập trung tại Chánh Phú Hòa, Bến Cát.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, Bình Dương đã và đang tiến hành thực hiện đồng loạt các nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung, đối tượng và chọn lọc những hình thức phù hợp với từng địa bàn dân cư để tuyên truyền. Tổ chức tập huấn, toàn tỉnh có 598 Tổ tự quản tại địa bàn dân cư, đây là tiền đề cơ bản, nòng cốt cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân ở cộng đồng dân cư đối với cán bộ công chức tham gia thực hiện…

Chia sẻ giải pháp thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, muốn phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, việc đầu tiên phải xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách phát triển. Về phân loại rác thủ công phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống các công cụ kinh tế phát triển, bao gồm những công cụ về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Giải pháp thứ 3 là tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn. Cuối cùng là nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và nâng cao năng lực của các đội ngũ tham gia vào công tác quản lý dự án. Cả 4 nhóm giải pháp phải được thực hiện đồng bộ.

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bi-nh-duong-nam-2025-se-phan-loai-rac-sinh-hoat-tai-nguon-371343.html