Bình Dương không để tử vong do bệnh dại

Sở Y tế tỉnh Bình Dương phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện tốt việc cung ứng đủ vaccine phòng dại, truyền thông đến người dân tiêm phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Báo Sức khỏe& Đời sống đã phỏng vấn BSCKII Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương về công tác phòng chống bệnh dại năm nay.

PV: Thưa ông, tình hình bệnh dại từ đầu năm diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, đối với Bình Dương thực hiện Công điện ra sao?

BSCKII Huỳnh Minh Chín: Chủ động trong công tác phòng chống bệnh dại, Sở Y tế và Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương luôn phối hợp chặt chẽ với nhau. Chúng tôi vừa tổ chức mít tinh phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

BSCKII Huỳnh Mình Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương

Thống kê cho thấy năm 2022, Bình Dương không ghi nhận ca bệnh dại. Năm 2023, cũng không ghi nhận bệnh dại, nhưng số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng năm 2023 là 15.479 mũi.

Công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã chủ động đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm ngừa phơi nhiễm.

3 tháng đầu năm 2024, không ghi nhận ca tử vong do dại, số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng năm 2024 là 4.500 mũi tiêm.

Để triển khai tốt công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ngành y tế đã triển khai các hoạt động như chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp công tác với cơ quan thú y khi phát hiện trường hợp chó, mèo cắn nhiều nguời phải tư vần hướng dẫn tiêm phòng dại theo quy định của Bộ Y tế và vận động người dân đi tiêm ngừa cho vật nuôi, cũng như tiêm ngừa cho bản thân khi bị vật nuôi cắn.

Chuẩn bị đầy đủ vaccine để tiêm phòng cho người dân cũng như thuốc men, trang thiết bị y tế cấp cứu kịp thời các trường hợp mắc bệnh dại.

PV: Tín hiệu tốt từ Bình Dương 2 năm 2022 và 2023 của Bình Dương không ghi nhận ca mắc bệnh dại, tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan?

BSCKII Huỳnh Minh Chín: Đúng vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến vấn đề này và chỉ đạo 2 ngành Y tế và NN-PTNT phối hợp chặt chẽ cùng với Sở GD-ĐT tăng cường truyền thông học đường về sự nguy hiểm của bệnh dại, nhất là với học sinh tiểu học.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để thống kê, tiêm phòng cho đàn chó nuôi tại địa phương, thường xuyên kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý chó nuôi.

Yêu cầu cơ quan thú y phối hợp với UBND xã, phường đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn được thống kê.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Ngành Y tế tỉnh Bình Dương, chúng tôi khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thứ nhất:Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm

Thứ hai: Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Thứ ba: Khi bị chó, mèo cắn cần:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Thứ tư: Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

PV: Cảm ơn ông

A.T

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/binh-duong-khong-de-tu-vong-do-benh-dai-169240417220104692.htm