Bình Dương: Chủ hụi dùng chiêu, lập 'hội viên ma' chiếm đoạt tiền

Khi làm chủ hụi, Dân thu tiền của nhiều người rồi lập nên các 'hội viên ma' để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Chiêu trò của chủ hụi

Ngày 9/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam Tạ Thị Dân (SN 1959, ngụ tỉnh Bình Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu, Tại Thị Dân sinh sống trên địa bàn thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong quá trình sinh sống và làm việc, Dân quen biết với nhiều người dân, người kinh doanh…

Dân sau đó đã đứng ra thành lập hụi (hội), rồi kêu gọi nhiều người bỏ tiền vào. Do tin tưởng Dân nên nhiều người cũng góp tiền vào việc chơi hụi. Lúc này, Dân không chỉ lập nên một đường dây chơi hụi mà tạo nên tổ chức với nhiều nhánh khác nhau.

Để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các hội viên, Dân đã tự bịa ra tên của nhiều hụi viên (hụi viên ma) tham gia trong một đường dây. Khi đến kỳ mở hụi, Dân thông báo với mọi người rằng “hụi viên ma” đã mua trúng nhằm chiếm đoạt tiền của những hụi viên thật đóng tiền vào.

Bà dân bị tạm giữ để điều tra hành vi chiếm đoạt tài sản.

Một thời gian như vậy, những thành viên trong hụi cứ lần lượt đóng tiền mà không biết chiêu lừa của Dân. Đến khi hết các “hụi viên ma” đã nhận xong hết, đến lượt người chơi thật hốt hụi thì Dân không có tiền để giao hoặc chỉ giao một phần rồi hứa hẹn đưa sau nhưng không thực hiện.

Việc này khiến nhiều người tìm đến nhà Dân để đòi tiền, tuy nhiên bà này vẫn không chi trả, nên các nạn nhân đã làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng. Sau khi nhanh chóng vào cuộc, cơ quan điều tra xác minh hành vi của bà Dân.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Tạ Thị Dân chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Hiện, vụ án đang được điều tra mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Người dân cần cảnh giác

Luật sư Nguyễn Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, việc nhiều người mất tiền vì chơi hụi rất phổ biến, đặc biệt nhiều chủ hụi giật tiền bỏ trốn, thậm chí mang tiền của thành viên hụi đi làm ăn thua lỗ rồi sau đó không thể trả, hoặc tìm cách chiếm đoạt.

Các đối tượng chủ hụi thường có hành vi kêu gọi những người có nhu cầu chơi hụi, đủ người sẽ lập dây hụi, chủ hụi có trách nhiệm thu tiền các con hụi khi đến kỳ rồi giao số tiền đó cho con hụi hốt theo từng kỳ; chủ hụi sẽ được số tiền hoa hồng theo thỏa thuận ban đầu khi lập dây hụi.

Một hình ảnh mà hụi viên đến nhà chủ hụi đòi nợ, dùng cách thắp nhang, chửi mắng... sau khi chủ hụi không chi trả tiền và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản vừa xảy ra tại tỉnh Bình Thuận (ảnh ĐP).

Trước tiên, chủ hụi sẽ tạo lòng tin cho các con hụi bằng cách làm đúng nhiệm vụ như lập dây hụi đúng, đủ người, đến kỳ thì thu tiền của các con hụi để giao đúng, đủ cho con hụi hốt kỳ đó; nhiều lần sẽ tạo cho các con hụi tin tưởng, rủ rê nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia, khi đó chủ hụi sẽ lập những dây hụi với số tiền lớn hơn.

Tuy nhiên, khi mở dây hụi thì chủ hụi chỉ ghi danh sách tên hoặc tên thường gọi (tên lóng) của con hụi chứ không ghi rõ họ, tên, không ghi địa chỉ. Khi bỏ hụi thì các con hụi chủ yếu nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp cho chủ hụi để bỏ hụi chứ không tập trung bỏ phiếu kín.

Quá trình giao nhận tiền giữa chủ hụi và các con hụi cũng chỉ giao tiền mặt, không ký nhận gì. Chủ hụi lợi dụng vào những sơ hở này để, lập khống những con hụi, ví dụ như dây hụi 10 người thì chủ hụi lập khống 3 người, chỉ có 7 người chơi hụi thực tế rồi đứng ra mạo danh 3 người đó để hốt, chiếm đoạt tiền.

Mạo danh các con hụi để hốt, tức là gặp con hụi A thì nói con hụi B hốt, nhưng gặp con hụi B thì lại nói con hụi A hốt, cứ như vậy chủ hụi thu tiền của các con hụi chiếm đoạt, các con hụi cứ nghĩ mình sẽ là người hốt cuối cùng, gần đến những kỳ cuối thì chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, rồi bỏ trốn.

Rất nhiều hình thức đã được cơ quan chức năng, đặt biệt là ngành Công an cảnh báo tới người dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng về cách thức phòng ngừa hành vi chiếm đoạt tiền trong việc chơi hụi.

Đơn cử cơ quan chức năng đã Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường.

Những người chơi hụi cần lưu ý khi tham gia các dây hụi phải biết những con hụi chơi cùng bằng cách yêu cầu chủ hụi cung cấp danh sách con hụi ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ thường trú tránh việc chủ hụi lập khống con hụi.

Tới kỳ sổ hụi, hốt hụi thì yêu cầu chủ hụi phải xác định, ký nhận con hụi nào đã hốt hụi, hốt bao nhiêu tiền; khi giao tiền hụi phải yêu cầu chủ hụi ký vào giấy tờ thể hiện rõ ràng về thời gian, mục đích, số tiền.

"Người chơi hụi cần nắm rõ các thông tin cần thiết, theo luật định, quy định để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc", luật sư Nam nhấn mạnh.

Quy định của pháp luật về chơi hụi

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, chơi hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường đã quy định rất rõ:

Chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú.

Khi có người muốn gia nhập dây hụi thì chủ hụi phải thông báo các nội dung sau: Số lượng dây hụi mà mình làm chủ hụi; Số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi; Phần hụi, kỳ mở hụi.

Thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ các nội dung sau: Hụi, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ hụi thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống); Số lượng thành viên, hụi, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; Phần hụi; Thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; Thể thức góp hụi, lĩnh hụi.

Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.

Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.

Sổ hụi có các nội dung sau đây: Các nội dung của thỏa thuận về dây hụi; Ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên; Ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi của thành viên lĩnh hụi; Chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi; Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây hụi.

Chủ hụi phải giao hụi cho thành viên tại mỗi kỳ mở hụi. Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu. Chủ hụi phải giao giấy biên nhận cho thành viên khi thực hiện các hoạt động sau: Góp hụi, lĩnh hụi; Nhận lãi, trả lãi; Thực hiện giao dịch khác có liên quan.

Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; Tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-duong-chu-hui-dung-chieu-lap-hoi-vien-ma-chiem-doat-tien-a662842.html