Bình Định 'mổ xẻ' nhiều tuyến đường hư hỏng chỉ sau 1-2 năm sử dụng

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh Dũng về tình trạng nhiều tuyến giao thông ở vùng nông thôn mới xây dựng được một, hai năm đã hư hỏng.

Ngày 6/12, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục ngày làm việc thứ 2.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định đã chất vấn ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định về tình trạng nhiều tuyến giao thông ở vùng nông thôn mới xây dựng được một vài năm đã hư hỏng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ đặt vấn đề về đường giao thông nông thôn. Ảnh: Diễm Phúc

Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết, những năm qua, việc đầu tư các tuyến giao thông vùng nông thôn gắn với chương trình nông thôn mới đã giúp hoàn thiện hạ tầng, nhưng thực tế triển khai còn nhiều bất cập.

Ông dẫn dụ, việc đăng ký, đấu thầu, đấu giá xi măng muộn, dẫn đến khi các địa phương nhận được xi măng thì rơi vào tháng cuối năm. Việc làm đường bê tông nông thôn vào mùa mưa đã khiến nhiều tuyến giao thông nhanh xuống cấp...

Đường giao thông nông thôn ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Diễm Phúc

“Hầu hết các tuyến đường bê tông triển khai từ một đến hai năm thì mặt đường đã bong tróc”, ông Dũng nêu thực trạng.

Trả lời chất vấn của cử tri, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 530km đường giao thông nông thôn; lũy kế số đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trên địa bàn tỉnh đến tháng 12/2023 là 7.424/9.169Km, đạt tỷ lệ 81%.

Theo ông Dũng, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn từ năm 2021 đến nay rất chậm, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đã đề ra. Năm nay các địa phương mới nhận xi măng từ tháng 9/2023 và đang tổ chức thực hiện nên khối lượng mới chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch được duyệt.

"Mặt khác, việc lập kế hoạch ở các địa phương thay đổi liên tục, dẫn đến thay đổi danh mục nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, vấn đề hỗ trợ kinh phí đối ứng của địa phương cho chương trình còn gặp khó khăn do không bố trí được nguồn kinh phí.

Việc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp xi măng (do Sở Tài chính tổ chức thực hiện) mất nhiều thời gian, các đơn vị nhận được xi măng thường rơi vào mùa mưa nên khó triển khai thực hiện theo kế hoạch..." - ông Dũng nhìn nhận.

Ông Dũng cũng cho rằng, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, bảo trì tuyến đường, nguồn kinh phí bố trí để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường hết sức hạn chế. Vì vậy, một số tuyến đường sau khi đầu tư xây dựng đã nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, không phát huy hiệu quả dự án.

“Trước đây chúng ta không có đấu thầu. Từ năm 2019 đến nay chúng ta tổ chức đấu thầu dẫn đến thời gian kéo dài. Thứ hai nữa là việc đăng ký danh mục chậm. Xi măng tháng 9 giao thì triển khai vào mùa mưa. Việc này Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính là đơn vị phụ trách đấu thầu xi măng và phối hợp với Sở Xây dựng để kiểm soát chất lượng xi măng theo đúng quy định”, ông Dũng nói.

Ông Trần Thanh Dũng trả lời chất vấn cử tri

Nói về việc đấu thầu xi măng, ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong việc này các địa phương đăng ký chậm, dẫn đến phê duyệt chậm. Cuối tháng 5 phê duyệt kế hoạch, tháng 8, 9 mới tổ chức đấu thầu xong.

“Đấu thầu qua mạng yêu cầu thời hạn quy định. Đề nghị các địa phương cần lưu ý đăng ký sớm hơn, nếu qua thời hạn không đăng ký thì xem như không có nhu cầu”, ông Hải nói.

Chấn chỉnh tình trạng đến mùa mưa mới giao xi măng

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, nguồn kinh phí đã được bố trí hằng năm. Ông Dũng yêu cầu các sở, ngành được giao nhiệm vụ cần bố trí đấu thầu sớm để phân bổ xi măng về cho các địa phương triển khai đảm bảo kế hoạch. Sở GTVT và các đơn vị liên quan cần chấn chỉnh tình trạng đến mùa mưa mới giao xi măng về cho các địa phương. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Định phải giảm sát việc thực hiện và chất lượng các tuyến giao thông nông thôn.

“Cử tri phản ánh nhiều về thực trạng khi đấu thầu xong thì mùa mưa, nước bì bõm mang xi măng ra làm. Một, hai năm thì đường hư. Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương. Tôi đề nghị HĐND tỉnh Bình Định giám sát.

Trong tháng 12/2023 đề nghị các lãnh đạo phải phê duyệt danh mục, huyện, xã nào không đăng ký coi như là không có nhu cầu. Chúng ta phải chấn chỉnh việc này” - Bí thư tỉnh chỉ đạo.

Cưỡng chế các trường hợp chây ỳ, không bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.

Đến nay, tỉnh Bình Định đã bàn giao 98,4% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Các địa phương ở tỉnh này đã hoàn thành xây dựng 23/40 khu tái định cư, bố trí cho người dân thuộc diện giải tỏa vào ở để thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam. Hiện trên hàng lang tuyến còn 1 tổ chức và 175 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân để giải quyết vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 30/12/2023.

Diễm Phúc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/binh-dinh-mo-xe-nhieu-tuyen-duong-hu-hong-chi-sau-1-2-nam-su-dung-2223773.html