Bình Định: Dân bất an khi nhà nằm cạnh sườn núi có nguy cơ sạt lở

Một số nơi có nguy cơ sạt lở cao và điểm sạt lở năm trước đến năm nay tại Bình Định vẫn chưa được khắc phục khiến người dân bất an.

Những điểm có nguy cơ sạt lở cao ở Bình Định.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định vừa có báo cáo kết quả kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có rất nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất không riêng gì các huyện miền núi mà cả tại TP Quy Nhơn khi có mưa lũ lớn xảy ra khi tới mùa mưa bão. (Ảnh chụp điểm sát lở tại TP Quy Nhơn tháng 11/2022)

Toàn tỉnh Bình Định có 37 khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó có 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, 17 khu vực nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi bị sạt lở.

Theo ghi nhận của PV tại khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn tại điểm sạt lở xảy ra ngày 11/10/2022 khiến một lượng lớn đất, đá tràn xuống đường ngay sát nhà dân, nhưng đến nay vẫn đang gia cố tạm bằng các tấm tôn lỏng lẻo mà chưa được khắc phục.

Theo người dân sống trong khu vực này chia sẻ, việc chậm trễ khắc phục sự cố từ năm ngoái gây khó khăn trong việc đi lại, kèm theo đó là sự lo lắng trước thềm mùa mưa bão năm nay vì sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cũng trên địa bàn TP Quy Nhơn tại khu phố 1, phường Đống Đa có điểm sạt lở vào năm 2022 đất đá tràn xuống đường, sát với nhà dân chôn lấp hết 1 đoạn khoảng chừng 30-40m bề mặt đường và cống.

Ông Ngô Văn Minh (51 tuổi) sống tại tổ 1, khu phố 1, phường Đống Đa cho biết, vào năm trước điểm sạt lở này đã muốn tràn vào trong nhà, chúng tôi có kiến nghị UBND phường Đống Đa để khắc phục nhưng cả năm rồi vẫn chưa thấy. “Tại điểm sạt lở cũ này có nguy cơ cao sẽ tiếp tục tràn xuống, gia đình tôi rất lo sợ mỗi khi vào mùa mưa lũ vì nhà tôi nằm sát với chân núi Bà Hỏa”, ông Minh lo lắng.

Ngoài ra, phường Đống Đa cũng có khu vực núi Một, thuộc tổ 2b, khu phố 1 có khoảng 47 hộ dân xây dựng nhà ở dưới chân và trên triền núi sinh sống. Nơi này cũng nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Ngoài một số hộ dân đã được di dời, tái định cư, nhiều hộ còn lại bám trụ nơm nớp nỗi lo sạt lở.

Ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết, tại khu vực núi Một thuộc tổ 2b, khu phố 1 có 7 nhà có nguy cơ sạt lở cao. Thành phố đã quy hoạch và đã đi dời, còn lại có nguy cơ phường đã có phương án di dời, nếu tình hình mưa bão phức tạp sẽ di chuyển về trụ sở khu phố 1.

Đáng chú ý hơn, tại tổ 49, khu phố 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn nơi tập trung nhiều những trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng.

Đa số những trường hợp này đều xây dựng ở vị trí sườn núi, có độ dốc đứng, vì vậy đối diện nguy cơ sạt lở rất cao.

Khu vực này nếu sạt lở thì rất khó khăn trong việc cứu nạn, cứu hộ. Minh chứng là trước đó, ngày 20/11/2022 toàn bộ khu vực tổ 49, khu phố 5 (phường Quang Trung) đã bị cô lập do sạt lở. Một mảng đường dài gần 10m đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Cách đây 2 năm, hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát cũng hững chịu sạt lở kinh hoàng, với lượng lớn đất, đá từ trên núi đổ vào nhà.

Thế nhưng đến nay, việc di dời của các hộ dân tại khu vực này vẫn đang rất chậm trễ và chỉ mới cơ bản hoàn thiện phần chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm.

Ngoài các khu vực nói trên, các hộ dân tại thôn Tân Sơn, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân cũng lâm vào tình cảnh bất an không kém khi sau nhà là những mỏ đá, có triền dốc.

Mưa bão, lũ quét đến thì không chỉ là đất mà có cả đá nguy cơ tràn xuống, hậu quả khôn lường.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/binh-dinh-dan-bat-an-khi-nha-nam-canh-suon-nui-co-nguy-co-sat-lo-ar828179.html