Bình dị nghề tò he xuống phố

Vào mỗi dịp cuối tuần, du khách thong thả dạo bước trên các tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sẽ khó quên hình ảnh những chiếc sạp nhỏ bày biện đủ hình thù các con vật nhiều màu sắc.

Sạp tò he là điểm đến yêu thích của các em nhỏ. Ảnh: Mộc Miên

Đó là những con tò he (hay còn gọi là con giống bột) được các nghệ nhân làng nghề nặn tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) giới thiệu và bày bán trên phố. Trước đây, người dân làm nghề tò he rong ruổi khắp các tuyến ngõ, công viên, các mùa lễ hội, nghề truyền thống từng một thời vô hình bởi quá trình đô thị hóa thì nay được hồi sinh, trở thành điểm nhấn độc đáo giữa lòng phố.

Với không gian nhỏ nhưng điều lạ các sạp tò he luôn “đắt” khách, trẻ em xúm xít vây quanh. Dưới ánh mắt tò mò xen lẫn thán phục, từ cục bột vô tri được các thợ nghề nhào nặn khéo léo, biến hóa đa dạng thành các hình thù ngộ nghĩnh.

Theo các nghệ nhân làng nghề Xuân La, nguyên liệu chính để nặn tò he từ gạo nếp được xay mịn, thấu kỹ rồi vê thành viên bánh nhỏ, luộc chín, để nguội sau đó được phối từ các màu lá dân gian. Có thể kể đến màu vàng của củ nghệ già, quả dành dành, màu đỏ từ dầu gấc, màu xanh từ lá trầu không hay màu tím từ lá thổ cẩm… Các cục bột tiếp tục được hấp chín để tạo độ bóng và tăng thêm kết dính.

Các công đoạn tưởng chừng đơn giản nhưng để hoàn thiện thành phẩm đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, cẩn thận. Bởi nếu trộn quá nhiều nước thì cục bột bị nhão và nếu không tính toán được thời tiết giữa mùa đông, mùa hè, địa điểm bán ở ven biển sẽ dễ bị khô, không giữ được độ bền.

Bắt kịp nhu cầu của trẻ em, những cục bột màu được nhào nặn đủ hình thù các con vật, từ con gà, con rồng, mèo máy doraemon, người nhện, nàng tiên cá… Sạp tò he xuất hiện nhiều trên phố, mang niềm vui đến với bao thế hệ trẻ thơ.

Xuống phố, trẻ em được tận hưởng không gian xanh mát, thoáng đãng cùng với cơ hội tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống. Thống kê Hà Nội có 318 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, sản phẩm tò he làng nghề Xuân La được TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nếu làng Vòng, làng Bát Tràng có gốm, làng Mông Phụ có tương thì làng Xuân La nhờ tò he… Đến nay, các sản phẩm làng nghề truyền thống được giới thiệu đậm nét tại các lễ hội du lịch Hà Nội và đang trở thành sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo.

Những ngày cuối tuần, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm nhộn nhịp dòng người qua lại, bên cạnh các trò chơi dân gian như ô ăn quan thì các sạp tò he đủ sắc màu như góp thêm chút sắc nắng cho những ngày chớm hạ.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/binh-di-nghe-to-he-xuong-pho-376464.html