Big Tech và nạn tin giả

Các 'Cuộc chiến thông tin' gay gắt đã phơi bày nỗ lực quân sự hóa các mạng xã hội, biến chúng thành nơi gây bất ổn. Cuộc chiến ở Ukraine hay cuộc đối đầu Pháp - Nga ở khu vực Sahel một lần nữa cho thấy sự thay đổi về quy mô và bản chất của những không gian đối đầu mới này giữa các quốc gia.

Với bản chất hỗn hợp của các doanh nghiệp - khi thuộc về tư nhân, khi hoàn toàn là thực thể ý thức hệ và khi là các tác nhân địa chính trị - các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) hiện đặt ra 2 vấn đề chính trị lớn liên quan đến ý chí và thực tế quản trị. Hành vi thao túng và can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 được tiết lộ qua vụ bê bối Cambridge Analytica; các tài khoản giả mạo của Pháp và Nga tại vùng Sahara được Meta (Facebook) phát hiện vào năm 2020; Twitter tước quyền truy cập của ông Trump vào năm 2020 sau vụ lộn xộn trên Đồi Capitol; sự cấp phép vô điều kiện của X (Twitter) trong cuộc bầu cử tại Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023; cuộc chiến thông tin xung quanh chiến cuộc Nga - Ukraine… Danh sách chưa đầy đủ này cho thấy một thực tế nổi bật và mới mẻ rằng: Các Big Tech ngày càng giữ vai trò địa chính trị hàng đầu.

Những lỗ hổng thông tin không đơn giản như những gì ta đang thấy.

Những lỗ hổng thông tin không đơn giản như những gì ta đang thấy.

Ngày càng được công nghiệp hóa và nở rộ một cách lặng lẽ trên mạng xã hội với chi phí thấp, các cuộc chiến tranh thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho vũ khí của các cuộc chiến tranh hỗn hợp, với 3 thành tố bất biến bao gồm: Các mô hình lan truyền nhân tạo, thông tin (tất nhiên là cả thông tin sai lệch), cũng như các sơ đồ nhận thức và tri giác của chúng ta. Việc nhà nước (hay các tổ chức phi nhà nước) sử dụng mạng xã hội sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề kiểm duyệt đối với các chiến lược quân sự gây ảnh hưởng đầy nhạy cảm.

Giống như ChatGPT do OpenAI phát triển, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra giọng nói, hình ảnh và văn bản sẽ nhanh chóng có khả năng xây dựng các thế giới thông tin sai lệch từ đầu đến cuối của chuỗi thông tin. Các vũ trụ ảo (meta-universe) tương lai sẽ làm giảm khả năng thao túng nhận thức và sẽ khiến kiểm duyệt trở thành điều không thể. Trong tương lai, việc đưa ra các câu chuyện nhằm gây bất ổn sẽ được thực hiện bằng lời nói, giữa các tài khoản mạng xã hội. Vậy làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát những gì được nói, chứ không phải những gì được viết, mà không rơi vào trạng thái hoang tưởng ảo giác, sự kiểm duyệt và cuối cùng là các biện pháp độc tài và công nghệ mà chúng ta bác bỏ? Một câu hỏi lớn mà chỉ có sự kiểm duyệt thôi sẽ không giải quyết được.

Điều quan trọng hơn, Big Tech không chỉ đơn thuần là “các mạng xã hội”, “công cụ AI” hay nền tảng phát trực tuyến… Chúng đích thực là các cơ sở hạ tầng thông tin và do đó đã nhanh chóng biến các không gian dân sự mang tính giải trí thành các tác nhân địa chính trị mang tính hệ thống - những không gian gây ảnh hưởng và tạo sức mạnh ở trung tâm của các hệ thống quyền lực. Điều này là điều thiết yếu trên mặt trận “mạng - hỗn hợp”, đồng thời cũng để xác định lại những đường nét chính của mô hình dân chủ. Vậy các Big Tech đóng vai trò gì trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch, hay ngược lại làm khuếch đại thông tin sai lệch đó lên? Vấn đề đặt ra rất phức tạp vì một mặt các Big Tech đề xuất cách xử lý khác biệt đối với từng tác nhân mang tính hệ thống này, mặt khác làm sáng tỏ sự mập mờ về hệ tư tưởng và kinh tế của chúng.

Để hiểu được vấn đề phức tạp về ý chí của các Big Tech, cần phải hiểu các chính sách công nghệ ngầm của họ. Đó là “bộ 3 Big Tech”, bao gồm: Mô hình kinh tế - mô hình tập trung vốn, miễn phí dịch vụ, thu thập hàng loạt dữ liệu có khả năng thu lợi. Mô hình công nghệ - là các thuật toán kiểm duyệt và khuyến nghị, cho phép lan truyền các nội dung thông tin theo thời gian thực và do đó thu hút được nhận thức của người dùng. Mô hình tư tưởng - được tạo ra từ 2 mô hình trên, được thực hiện thông qua chính sách kiểm duyệt và thường khiến quyết định của các ông chủ mạng xã hội trở nên “độc đoán”.

Trường hợp Meta là minh chứng hội tụ cả 3 góc độ trên. Hồ sơ Facebook đã phơi bày chính sách kiểm duyệt kết hợp giữa sự độc đoán và tính chất địa chính trị - một sự pha trộn dễ gây bùng nổ. Nó thể hiện sự thiên vị trong việc duyệt bài đăng, tùy theo nhu cầu, đối với một số nội dung nhất định xuất phát từ các lý do chính trị do người đứng đầu nó đưa ra.

Về mặt kinh tế, vấn đề quản trị lại càng rõ ràng hơn. X (trước đây là Twitter) là một trường hợp tiêu biểu khác. Kể từ khi mua lại mạng xã hội này, trên 2 góc độ kinh tế và công nghệ, Elon Musk đã muốn “dọn dẹp” các tài khoản giả mạo và các bot (robot mạng) khỏi X nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của ông về quyền tự do ngôn luận (góc độ tư tưởng). Đề xuất thu phí của Musk chính là một phần trong việc thực hiện bộ ba. Và cuối cùng, Google đường như đã tự định vị là công ty công nghệ trưởng thành nhất, bằng cách hợp tác tích cực nhất với các chính phủ, cho dù các hoạt động này có lúc bị xem là mối đe dọa nội bộ, hay khi ứng phó với các hoạt động can thiệp từ bên ngoài.

Từ năm 2018, sau vụ bê bối Cambridge Analytica năm 2016, các nền tảng lớn đã chính thức triển khai các biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ, tuyển dụng ồ ạt đội ngũ kiểm duyệt viên để chống lại các âm mưu thao túng và can thiệp. Nhưng rồi chỉ sau 5 năm, đội ngũ đó đều bị loại bỏ. Trên thực tế, gốc rễ của vấn đề không chỉ nằm ở kiểm duyệt. Nó nằm ở bản chất hai mặt của các tác nhân hỗn hợp này, cũng như sự chồng chéo giữa các toan tính lợi nhuận, tư tưởng và chính trị. Vấn đề quản trị các Big Tech là vô cùng quan trọng, đòi hỏi tư duy mang tính nền tảng chứ không phải là các biện pháp quản lý bên ngoài hệ thống. Trọng tâm của vấn đề là ở chỗ: Bằng cách tìm kiếm tối đa hóa lợi nhuận, mô hình kinh tế của các nền tảng ảnh hưởng đến các không gian công cộng và dân chủ mới, và nếu thông tin sai lệch có thể mang lại lợi nhuận thì về cơ bản nó tương thích với mô hình kinh doanh hiện tại của các nền tảng. Các thiệt hại về mặt chính trị và xã hội khi đó sẽ rất khủng khiếp.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/big-tech-va-nan-tin-gia-i731078/